Huyện Đức Cơ: Liên kết sản xuất để nâng tầm giá trị cà phê

Cập nhật 15/11/2021, 13:11:56

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Đức Cơ nói riêng, chính vì vậy việc nâng cao chất lượng cũng như giá trị của cà phê luôn được các cấp, ngành quan tâm. Cùng với đó, các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê được người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện nhằm ổn định đầu ra, giá cả cho sản phẩm, giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn.

Trên diện tích gần 4 ha cà phê đang cho thu hoạch, ông Hoàng Văn Tuấn, ở thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất cà phê với Hợp tác xã Dịch vụ Phượng Hoàng. Tham gia chuỗi liên kết, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, bón phân, tưới tiết kiệm nước, ghi chép nhật ký nông hộ để theo dõi quá trình chăm sóc,… nên chi phí đầu tư giảm hẳn. Đồng thời, năng suất cà phê tăng cao hơn từ 20 -30%.

Ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ nói: “Gia đình cùng một số hộ nông dân làm thủ tục với hợp tác xã Phượng Hoàng để tham gia cùng hợp tác xã Phượng Hoàng để liên kết, thu mua cà phê cho nhân dân. Năm 2020, Hợp tác xã Phượng Hoàng đầu tư cho gia đình tôi hệ thống tưới nhỏ giọt cho 4 ha, cả khu vực đây hơn 20 ha.”

Cùng với các chương trình hỗ trợ phân bón, khoa học kỹ thuật, nông dân tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ thêm 2 giá bán sản phẩm so với thị trường. Hiện nay, cà phê đã bước vào mùa thu hoạch với giá cao hơn năm trước nên nhiều nông dân khá phấn khởi. Theo đó, giá cà phê tươi được thương lái thu mua hơn 8 ngàn đồng/kg; cà phê nhân hơn 41 ngàn đồng/kg. Vì vậy, sản phẩm sau thu hoạch có đầu ra, giá cả ổn định hơn.

Bà Đinh Thị Ngà – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dom, huyện Đức Cơ cũng cho biết:  “Đối với mô hình liên kết cà phê này, trước tiên tập hợp được đông đảo số hội viên mà cùng một lĩnh vực sản xuất về cây cà phê. Qua đó, các hội viên có cơ hội cũng như có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Cũng nhận được sự hỗ trợ và ký kết. Ký hợp đồng cùng hộ dân hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật sau này.”

Ông Võ Minh Khôi – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Cơ thông tin: “Trong thời gian tới Hội ký kết phối hợp với các ngành, HTX trên địa bàn, để giải quyết đầu ra cho nông dân, Uỷ ban nhân dân huyện cũng phối hợp với ngân hàng để hỗ trợ nông dân nghèo vay vốn để đầu tư sản xuất. Hội Nông dân huyện cũng có 1 số nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để triển khai cho các tổ hội nghề nghiệp.”

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Đức Cơ hiện có hơn 5.600 ha cà phê. Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân huyện Đức Cơ đã duy trì, thành lập 15 tổ liên kết sản xuất cà phê tại các xã, thị trấn, qua đó tạo điều kiện cho nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cà phê, giúp nông dân ổn định sản xuất. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu ổn định cho các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến cà phê góp phần nâng tầm giá trị cho cây cà phê.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 35

Trả lời