Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã Ia Mơr

Cập nhật 26/8/2016, 08:08:45

Hưởng ứng chủ trương đi xây dựng cuộc sống ở vùng biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, tháng 11/2007 một số thanh niên ở các địa phương trong tỉnh đã đến xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất này. Với sức trẻ, ý chí vượt qua khó khăn, họ đã phát huy tinh thần xung kích cùng nhau lập nghiệp trên vùng biên giới xa xôi, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Chuyện lập nghiệp trên vùng đất mới dẫu vẫn còn lắm gian nan, nhưng hiện nay từ một số mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả đã và đang mở ra hướng đi mới cho hơn 100 hộ dân ở làng Ring (Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr).

26.8 huongdimoi

Là một trong những hộ đầu tiên lên biên giới Ia Mơr lập nghiệp, gia đình anh Phạm Văn Hiển đã có gần 10 năm gắn bó với vùng đất này. Những tưởng vùng đất khô cằn, khắc nghiệt này sẽ khó tìm được loại cây trồng nào phù hợp để phát triển kinh tế. Qua nhiều năm kiên trì biết tính toán làm ăn, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, đất đã không phụ công người. Giờ đây trang trại hơn 20 ha mía, 5 ha lúa nước, hàng trăm con dê mỗi năm cũng mang về cho gia đình anh Hiển trên 500 triệu đồng. 2 năm nay, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể. Được Nhà máy Đường Kon Tum hướng dẫn kỹ thuật trồng, phần lớn diện tích đất của gia đình đã chuyển sang trồng mía với năng suất đạt cao.

Anh Phạm Văn Hiển – Làng Ring, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết: “Không riêng gì gia đình tôi mà một số bà con trong làng đời sống từng bước phát triển hơn. Về mô hình trồng mía vùng đất này cây mía là phù hợp nhất trong các cây trồng ngắn ngày. Với một phần đầu tư vốn của công ty, đất đai hợp với cây mía, năng suất cao hơn cây mì, cây lúa. Nhà tôi trồng đạt 80 tấn/ha. Trừ cho phí lời 25 triệu đồng/ha”.

Mấy năm trước nguồn thu nhập chính của hơn 100 hộ dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào 40 ha lúa nước nhờ nguồn nước tưới từ trạm bơm điện. Bây giờ, làng Ring  có 15 hộ trồng mía với khoảng 60 ha. Nhiều hộ đã chuyển đổi từ diện tích trồng mì, bắp, lúa kém hiệu quả sang trồng mía và cho thấy hiệu quả cao hơn nhiều.

Chị Trần Thị Đảo – Làng Ring, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết: “Tôi vào đây lập nghiệp được 6 năm. Đầu tiên chỉ có đất nhà nước cấp 1,8 ha đất rẫy, 4 sào ruộng. Lúc đầu chỉ trồng lúa, mì sau đó Nhà máy Đường Kon Tum đầu tư cây mía. 2 năm gần đầy trồng mía ổn định hơn. Năng suất 1 năm trên 1 ha trừ chi phí 20-25 triệu/ha”.

 Trong nỗ lực tìm hướng thoát nghèo cho người dân, địa phương đã phối hợp với Nhà máy Đường Kon Tum đưa vào trồng thử nghiệm cây mía trên vùng biên giới Chư Prông. Qua 1 thời gian cho thấy loại cây trồng này thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, năng suất đạt khá cao. Điều mà người dân ở làng Ring mong muốn là sớm được tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng diện tích, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống no ấm trên vùng biên giới Ia Mơr./.

Kim Châu – Hồng Uyên – Thanh Sáng

 

 

 


Lượt xem: 219

Trả lời