Hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nông dân Đak Pơ 

Cập nhật 23/4/2018, 08:04:36

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập đã và đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nông dân huyện Đak Pơ trong vài năm trở lại đây, và cây ăn trái là một trong những lựa chọn đầu tiên bởi theo bà con cho biết, điều kiện thổ nhưỡng nơi đây cũng khá phù hợp cho phát triển một số loại cây ăn trái.

Với tổng diện tích khoảng 03 ha; trong đó có 02 ha mãng cầu (na), 4 sào quýt đường, 2 sào nhãn và vài chục gốc bưởi da xanh; nguồn thu từ vườn cây ăn trái này của gia đình ông Phan Văn Đông ở thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ trung bình mỗi năm cũng khoảng 300 triệu đồng sau khi đã trừ đi các khoản chi phí đầu tư. So với cây mía – cây trồng chủ lực của huyện Đak Pơ thì thu nhập từ cây ăn trái cũng khá cao.

Ông Phan Văn Đông – Thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Tình hình bữa nay như cây mía thì giá cả nó thấp quá, bây giờ họ cũng muốn chuyển đổi cây trồng nhưng mà đôi khi nguồn đầu tư họ không có. Thì hiện nay tôi mỗi thứ có khoảng một trăm hoặc một trăm mấy cây”.

Hiệu quả mang lại từ những mô hình trồng cây ăn trái đã và đang tạo cơ hội cho nông dân Đak Pơ vươn lên làm giàu, đồng thời cũng góp phần giảm áp lực đầu ra cho cây mía của địa phương. Tính đến thời điểm này, toàn huyện Đak Pơ có hơn 333 ha cây ăn trái với các loại chủ yếu như: Thanh long, quýt đường, na, nhãn, đu đủ, mít Thái… Phát triển theo mô hình gia trại, không ít hộ trồng xen nhiều loại nhưng cũng có hộ trồng chuyên một loại với diện tích vài hecta.

Ông Nguyễn Văn Phước – Xã Cư An, huyện Đak Pơ, Gia Lai cũng chia sẻ: “Mía hồi nào giờ không quen, trong Nam sống vườn cây quen rồi. Về đây thấy cây này phù hợp thì tôi tiến hành làm, thì cũng kiếm thu nhập. Mình trồng 1 năm thu được nhiều năm, còn mía thì mình cày nhưng mà đất như đất này thì sao mà làm mía, toàn đá thôi. Thì thôi mình làm cây này khi nào mà tuổi thọ hết thì cưa bỏ chuyển đổi”.

Ông Trần Văn Láng – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Song song với việc định hướng cho nông dân trên địa bàn huyện và cụ thể là ở xã Cư An thì chủ trương của huyện cũng đã tìm đầu ra sản phẩm cho bà con. Hiện tại cụ thể cũng đã liên kết với 1 số đại lý, tư thương để người ta mua những sản phẩm này, nhất là quýt, na”.

Mạnh dạn chuyển đổi và áp dụng khoa học kỹ thuật trong đầu tư chăm sóc, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây ăn trái với không ít người dân ở các xã trên địa bàn huyện Đak Pơ giờ đây không còn là mới. Và với định hướng trong phát triển cây ăn trái của huyện Đak Pơ hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương giúp nông dân làm giàu./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 75

Trả lời