Hội thảo khoa học quốc tế “Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á” kết thúc thành công

Cập nhật 31/3/2019, 15:03:52

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á”diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/3 tại thị xã An Khê,nhiều báo cáo khoa học, tham luận của các diễn giả, chuyên gia đầu ngành về khảo cổ trong nước và trên thế giới đã khẳng định về giá trị to lớn và tầm quan trọng của kỹ nghệ đá cũ An Khê đối với lịch sử phát triển và tiến hóa của loài người.
Hội thảo do tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức, dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang – Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Giáo sư, Viện sĩ Đờ-ri-vi-an-kô, An-na-tô-ly (Derevianko Anatoly), Viện trưởng Viện khảo cổ – Dân tộc học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hoà Liên bang Nga.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang nhấn mạnh: Qua 5 năm khai quật, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ, với niên đại được xác định khoảng 800.000 năm cách ngày nay, là cơ sở khẳng định An Khê là vùng đất đầu tiên xuất hiện tổ tiên loài người. Đồng chí Dương Văn Trang mong muốn tại Hội thảo sẽ tiếp tục được nghe các chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận về chủ đề “Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á” để làm rõ thêm những nhận định trên.

Đồng chí Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Với tinh thần khoa học, chân thực và khách quan, tôi hy vọng rằng chúng ta có dịp tiếp cận, trao đổi và tiếp tục mở ra những nhận thức, những khẳng định mới về giá trị sơ kỳ Đá cũ ở An Khê. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp tổng kết 5 năm khai quật và nghiên cứu cũng là cơ sở luận chứng khoa học để tỉnh Gia Lai đề nghị lập hồ sơ di tích lịch sử – văn hóa và từ đó có những định hướng tổng thể, đồng bộ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ đá ở An Khê”.

Sau phát biểu chào mừng của đồng chí Dương Văn Trang, dưới sự điều hành của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trình bày những báo cáo khoa học, tham luận các đề tài nghiên cứu về sơ kỳ Đá cũ trên thế giới và tại thị xã An Khê. Đồng thời, cùng trao đổi, làm rõ những nhận định liên quan đến niên đại của sơ kỳ Đá cũ ở An Khê. Nhìn chung, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế về lĩnh vực sơ kỳ Đá cũ đều đánh giá cao giá trị và tầm quan trọng của các di tích khảo cổ hiện vật đá và mảnh tectit trong địa tầng được tìm thấy ở An Khê, tiêu biểu là công cụ ghè 2 mặt, rìu tay, công cụ ghè một mặt, mũi nhọn, mũi nhọn tam diện…Vấn đề này cũng đã được Tiến sĩ Nguyễn Việt của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á nêu rõ trong bài tham luận của mình tại Hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phát biểu: “Đối chiếu về kiểu đá và dạng cuội thì chúng tôi ngờ rằng có quá trình tái trầm tích do lỗ tích cách đây hàng triệu năm đã đẩy những cuội xuống và tạo ra lòng sông cổ ở dưới thấp hơn đó là Rộc tưng 4; còn những điểm khác như Rộc tưng 1, Gò đá thì tình trạng không giống như thế; và như vậy có khả năng các cuội ở Rộc tưng 4 đã được vận chuyển, khai thác, đã được chế tác sơ bộ và vận chuyển về Gò đá hay Rộc tưng 1”.

Là một trong những chuyên gia hàng đầu về sơ kỳ Đá cũ, trong bài tham luận của mình tại Hội thảo với nội dung Kỹ nghệ ghè hai mặt Trung kỳ cánh tân ở Đông Bắc Châu Phi, Tiến sĩ Masojé Miroslaw, Viện Khảo cổ học, Đại học Wrocclaw, Ba Lan cũng đánh giá những kỹ nghệ ghè Đá cũ An Khê có giá trị vô cùng to lớn đối với giới nghiên cứu khoa học về sơ kỳ Đá cũ vì tương đồng với nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Phi, nơi mà sơ Kỳ Đá cũ được phát hiện có niên đại tối cổ nhất trên thế giới tính đến thời điểm này.

Tiến sĩ Masojé Miroslaw, Viện Khảo cổ học, Đại học Wrocclaw, Ba Lan nêu: “Những gò đá cũ ở An Khê rất là quan trọng và nó là điểm mới và có thể đại diện cho 1 vùng đất rất lớn và có thể so sánh với các nơi và đây là điểm, vị trí quan trọng hàng đầu ở Châu Á trong quá trình phát triển và tiến hóa của loài người. Về kỹ nghệ làm đá thì Đá cũ ở an Khê cũng không khác gì so với ở khu vực Châu Phi”.

Cùng với những luận chứng khoa học đánh giá tầm quan trọng và khẳng định về niên đại của sơ kỳ Đá cũ An Khê, tại Hội thảo các đại biểu cũng đã đưa ra những phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị của di chỉ khảo cổ học và trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh trong việc lập quy hoạch và có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ khu di tích này; song song với đó thì chúng tôi mong muốn rằng từng bước thiết lập cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng bảo tàng ngoài trời để bảo vệ những hố khai quật và dần hình thành khu nghiên cứu, nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại vùng này để người dân có lợi ích kinh tế đi cùng và chính người dân, cộng đồng sẽ làm tốt việc bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa, lịch sử”.

Sau 2 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo khoa Dịp học quốc tế Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á”đã thành công tốt đẹp.Dịp này, UBND tỉnh Gia Lai đã khen thưởng cho 1 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức, triển khai thực hiện khai quật khảo cổ sơ kỳ Đá cũ tại thị xã An Khê từ năm 2014 đến 2019./.

Song Nguyễn – Đức Hải – Kim Ngân – Thanh Sáng – Minh Trí


Lượt xem: 105

Trả lời