Hội nghị triển khai một số giải pháp tăng cường công tác QLBV rừng quản lý Lâm sản khu vực Tây Nguyên (2016 – 2020)

Cập nhật 21/9/2016, 08:09:05

Đề xuất tham mưu Chính phủ, bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, bổ sung những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách quản lý bảo vệ rừng thời gian qua. Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh đến năm 2020. Kiên quyết dừng thực hiện các dự án có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hiện có. Đây là những giải pháp trọng tâm được nêu ra tại Hội nghị triển khai một số giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản khu vực Tây Nguyên giai đoạn (2016 – 2020) do Cục Kiểm lâm tổ chức sáng ngày 20/9 tại Tp.Pleiku.

21-9-hoinghirung

Hội nghị đã chỉ rõ, 5 năm qua, Tây Nguyên luôn là điểm nóng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nạn khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là: Công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp còn nhiều yếu kém; việc thực thi các chính sách, giải pháp quản lý bảo vệ rừng chưa hiệu quả; các chủ rừng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao. Trên cơ sở đó, để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại khu vực Tây Nguyên từ nay đến năm 2020, hội nghị đã nêu lên một số giải pháp cụ thể đó là: Bộ NN&PTNT sớm đề xuất Chính phủ và các bộ ngành hữu quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh bổ sung, thay thế những nghị định, thông tư trong quá trình áp dụng đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đến năm 2020. Kiên quyết dừng thực hiện đối với các dự án có liên quan đến chuyển mục đích sử dụng thuộc 2,25 triệu hecta rừng tự nhiên hiện còn và thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hiệu quả việc kiểm tra, truy quét, giải quyết dứt điểm các điểm nóng, tụ điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép. Ngoài ra, cần phải kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2015 khu vực Tây Nguyên xảy ra hơn 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó có đến 1.630 vụ phá rừng và khai thác gỗ trái phép với diện tích rừng bị phá hơn 550 ha./.

Nhật Thành


Lượt xem: 73

Trả lời