Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật tại di tích Rộc Tưng, xã Xuân An, thị xã An Khê.

Cập nhật 13/4/2017, 08:04:56

Sáng 11/4, tại thị xã An Khê, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật tại di tích Rộc Tưng, xã Xuân An, thị xã An Khê. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, trường học và Đoàn chuyên gia khảo cổ học của Nga và Việt Nam.

Nằm trong chương trình hợp tác quốc tế 5 năm (2015-2019) giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học- Dân tộc học Novosibirsk- Liên bang Nga, cuộc khai quật khảo cổ học năm nay được tiến hành tại 3 địa điểm Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7 (xã Xuân An- thị xã An Khê) từ ngày 4/3 đến ngày 10/4/2017. Các nhà khảo cổ học đã thu được trên 640 mẫu vật là các chế phẩm của Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) làm từ đá quartz và quartzite cứng, có kích thước lớn. Tổ hợp công cụ tiêu biểu được tìm thấy gồm những mũi nhọn hình khối tam diện, công cụ ghè 1 mặt và 2 mặt, các công cụ chopper, mảnh tước và hạch đá…  Theo những tư liệu khai quật năm 2017, bước đầu xác nhận thung lũng An Khê tồn tại các loại hình di tích như địa điểm cư trú (tại Rộc Tưng 1) và nơi chế tác công cụ của người tiền sử (tại  khu vực Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7). Khung niên đại cho các di tích đá cũ An Khê khoảng trên dưới 80 vạn năm cách ngày nay.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao giá trị các hiện vật được khai quật tại thị xã An Khê; khẳng định địa phương và các cấp, ngành liên quan cần cố gắng bảo tồn cũng như xây dựng quy hoạch di tích, lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh trong thời gian sớm nhất; các chuyên gia cần tiếp tục các nghiên cứu, tổ chức các hội thảo quốc tế, cần tăng cường quảng bá hình ảnh để thu hút sự quan tâm của thế giới đến với khu di tích này, tiến tới đề xuất được công nhận di sản văn hóa cấp Quốc gia./.

Phương Thanh – Duy Từ


Lượt xem: 61

Trả lời