Hồ Thị Viên – Cô gái Ba Na quyết tâm thay đổi cuộc sống của bà con DTTS

Cập nhật 21/5/2019, 12:05:13

Cuộc sống của bà con DTTS sẽ khó phát triển nếu không mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, từ bỏ tập quán canh tác cũ lạc hậu để tiếp cận cái mới. Với suy nghĩ đó, cô gái Ba Na – Hồ Thị Viên ở làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê đã là người khởi động cho dự án trồng và phát triển cây dược liệu Cà gai leo ở làng Pơ Nang; góp phần mở ra hướng đi mới cho phát triển sản xuất của bà con DTTS nơi đây để từng bước thay đổi cuộc sống.

Gặp gỡ với phóng viên , chị Hồ Thị Viên – Làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai chia sẻ: “Xuất phát từ điều kiện thôi, điều kiện hoàn cảnh cũng như điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, với lại kế sinh nhai cũng như cách làm ăn của bà con nơi đây. Em là người đồng bào, em thấy được cái khó, cái khổ đó”.

Sau hơn 4 tháng trồng thử nghiệm đợt đầu tiên, 1,4 ha Cà gai leo – một loại cây dược liệu của cô gái Ba Na Hồ Thị Viên và một số hộ người Ba Na khác ở làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê đã đến kỳ thu hoạch. Với giá được các nhà thuốc chào mua khoảng từ 65.000 – 70.000 đồng/kg đã sấy khô có thể mang lại cho các hộ dân nguồn thu khá.

“Hiện tại thì em đang có rất nhiều niềm tin và hi vọng đối với mô hình này. Niềm tin thứ nhất là sẽ mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, thứ 2 là sẽ tạo cơ hội công ăn việc làm cho đồng bào DTTS mà trước mắt là ở làng Pơ Nang”, chị Viên nói.

Với bà con DTTS, thay đổi nếp nghĩ cách làm không phải là chuyện một sớm một chiều; bởi vậy để vận động bà con tham gia là điều không dễ. Thấy được khó khăn này, bước đầu Hồ Thị Viên đã vận động những người thân trong gia đình cùng làm với hi vọng hiệu quả mang lại sẽ giúp bà con ở làng tham gia, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến thời điểm này, mô hình đã có 10 hộ tham gia và trồng được khoảng 1,7ha. Trung bình 01 ha, chi phí đầu tư khoảng 60 triệu đồng tiền giống và nguồn vốn này được hỗ trợ từ HTX Nông nghiệp Tú An 1; còn các thành viên tham gia thì “góp vốn” bằng ngày công lao động. Theo Hồ Thị Viên, lứa Cà gai leo đầu tiên thu hoạch cho ra thị trường sẽ là sản phẩm sấy khô, còn hiện tại việc xây dựng nhà sấy cũng như kho chứa đang được HTX đầu tư để tiến tới phát triển sản phẩm thành trà túi lọc; tạo cơ hội mở rộng thị trường.

Chị Viên cho biết: “Hướng của tổ hợp tác là làm trà túi lọc và trà thô với thương hiệu mang tên làng mình – thương hiệu Pơ Nang. Tụi em sẽ tự trồng, tự bán khô, tự sản xuất và tự tìm đầu ra; mà hiện tại em tin tưởng là sẽ có đầu ra rất là nhiều tại vì khi chưa thu hoạch thì cũng đã có rất nhiều người gọi đến, các trung tâm, tạp hóa, tiệm thuốc bắc, các siêu thị cũng liên hệ”.

Ông Lê Văn Bộ – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: Hướng phát triển thêm thì chúng tôi sẽ phát triển về cây dược liệu, đó là cây cà gai leo và thảo quyết minh. Chúng tôi đã có dự án và cũng đã có đất đai sẵn sàng.

Trước khó khăn về nguồn vốn để nhân rộng mô hình cây dược liệu Cà gai leo, cũng như ý định phát triển thêm một loại cây dược liệu khác là Thảo khuyết minh, Hồ Thị Viên vận động bà con góp đất công để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 05 ha trong năm 2019 này. Bên cạnh đó, hiện tại cô cũng đang nghiên cứu viết ý tưởng vòng 2 cho dự án về cây dược liệu này để tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới. Quyết tâm để thay đổi cuộc sống của bà con DTTS làng Pơ Nang, đối với cô gái Ba Na Hồ Thị Viên vẫn đang còn nhiều dự định ấp ủ để một ngày sản phẩm mang thương hiệu “Trà dược liệu Pơ Nang” có mặt trên nhiều thị trường và cuộc sống của bà con làng Pơ Nang cũng đi lên nhờ cây dược liệu./.

Mỹ Tiến ,  Minh Trí


Lượt xem: 84

Trả lời