Hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất giỏi

Cập nhật 02/3/2018, 15:03:43

Gia Lai là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn. Thời gian qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương trong tỉnh ghi nhận nhiều chuyển biến, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế mới, có triển vọng kinh tế cao vào thử nghiệm và thu về những kết quả khả quan.   Cùng với đó, Hội Nông dân luôn chú trọng tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Qua đó đã xây dựng được mối đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, có hiệu quả đối với cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh.

 Kể từ khi tham gia lớp đào tạo nghề chăm sóc cây cà phê do xã phối hợp với huyện tổ chức, anh Rĩ, làng Krum, xã Hneng, huyện Đak Đoa đã thay đổi hẳn cách thức trồng nên giờ vườn cà phê của gia đình anh phát triển không thua kém người Kinh trong vùng. Quá trình canh tác, anh chú trọng từ khâu chọn giống, tập trung chăm sóc tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng cách, nhờ đó, năng suất luôn đạt cao. Vườn cà phê của gia đình anh Rĩ đã trở thành mô hình kiểu mẫu để bà con trong vùng đến tham khảo học hỏi kinh nghiệm… Anh còn được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện…

Anh Rĩ cho biết: “Hồi trước làm không biết đâu, làm 1ha được 5 tấn tươi, giờ 1ha làm được 3-4 tấn nhân. Mình đầu tư phân làm theo khoa học, ít thuốc sâu vì hại nên ít dùng. Hồi trước mình chưa học không biết làm nay thì biết hơn, 1 năm bón 3 đợt phân, tưới 2 đợt, 1 cây mình tính 5 lạng, 1 lần bón 20 bao, giá tiền hơn 10 triệu. Trước dùng máy nổ thôi, giờ mình đầu tư 120 triệu kéo điện tận rẫy.

Còn đây là vườn nhãn lồng Hưng Yên của ông Nguyễn Quang Phúc, làng Đê Chơ Gang, xã Phú An. Trước đây, gia đình ông đã từng trồng nhiều loại cây nhưng do không phù hợp về điều kiện nguồn nước, đất đai nên không đạt hiệu quả cao,  sau đó, ông Phúc đã quyết định chọn cây nhãn lồng Hưng Yên của quê hương ông vào trồng tại Đê Chơ Gang, với diện tích 1 ha. Cây nhãn phát triển và cho năng suất ổn định, trung bình  từ 15 tấn đến 17 tấn/ha/năm, được thương lái thu mua tận vườn với giá 40.000-45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu về khoảng 700-800 triệu đồng. Từ thành công này, ông đã đầu tư trồng thêm cây giống để bán cho bà con nông dân trên địa bàn mở rộng diện tích…

Ông Nguyễn Quang Phúc – Phú An, Đak Pơ cũng cho biết: “Trồng cây nhãn trên vùng đất Tây Nguyên trải qua thời gian khá dài thì thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với những cây trồng khác kể cả cây ngắn ngày lẫn cây dài ngày. Bây giờ cũng cố gắng phát triển vườn nhãn, xung quanh đây cũng nhiều người bắt đầu trồng mô hình cây nhãn này”.

 Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, đến nay toàn tỉnh có gần 85.000 hộ đăng ký và có hơn 57.000 hộ được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp cho 1.241 hộ thoát nghèo… Đặc biệt, nếu như trước đây làm bao nhiêu cũng chi tiêu hết, qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ DTTS đã biết tiết kiệm tính toán chi tiêu sinh hoạt trong gia đình một cách hợp lý nên đã có tiền tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, tạo dựng cuộc sống cho con cái sau này./.

Ngọc Ánh,  Đặng Trà 

 


Lượt xem: 50

Trả lời