Hiệu quả từ mô hình tưới nhỏ giọt trên cánh đồng mía tại Ia Pa

Cập nhật 03/1/2017, 14:01:39

Cùng với việc xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn, một số giải pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất cây trồng cũng đang rất được chú trọng. Ngoài sự đầu tư của nhà máy thì địa phương cũng đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng các mô hình tưới nhỏ giọt cho cây mía. Được biết, tháng 4 năm 2016, Trạm khuyến nông huyện Ia Pa đã hỗ trợ 436 triệu đồng cho các gia đình tại xã Pờ Tó thực hiện thí điểm mô hình tưới nước nhỏ giọt cho mía. Sau 6 tháng triển khai, mô hình đã cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với điều kiện tự nhiên, hứa hẹn sẽ đem lại kết quả tích cực cho bà con nông dân.

3-1-mohinh

Vườn mía rộng 2ha của gia đình ông Hoàng Thanh Nhật, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Để có được vườn mía phát triển tốt, cây lớn đều, ít sâu bệnh, gia đình ông phải rất chú ý cung cấp đủ nước và phân bón cho cây. Trong khi các nhà vườn khác mất từ 2-3 nhân công tưới một ngày cho cả vườn mía, thì gia đình ông Nhật chỉ cần bật công tắc của hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

Ông Hoàng Thanh Nhật, làng Bi Giông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa cho biết: “Cách vận hành của hệ thống này hết sức đơn giản, mình dùng một máy nổ phổ thông, nước cấp được 1,7-2 atm là hệ thống trung tâm làm việc. Khi hệ thống làm việc chỉ cần kiểm tra các điểm đầu cuối của các đầu dây, điểm cuối cùng nhỏ giọt thì chắc chắn các đầu kia cũng hoạt động. Với mô hình này chỉ cần nửa công là có thể tưới xong 1ha rồi”.

Với 3000 ha mía mỗi năm, Pờ Tó là xã chiếm sản lượng mía lớn nhất trên địa bàn huyện. Chỉ tính riêng đợt mùa khô vừa qua, tổng diện tích mía trên địa bàn bị thiệt hại hơn 1000 ha. Chính vì vậy, mô hình tưới nhỏ giọt được coi là xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và mùa khô hạn sắp tới.

Anh Phạm Văn Hoàng, cán bộ kỹ thuật huyện Ia Pa cho biết: “Theo đánh giá của bà con nông dân và các cơ quan chức năng, mô hình đã đạt được một số thành công nhất định, tiết kiệm được lượng nước tưới, giảm được lượng phân bón, giảm lượng nhân công, tăng năng suất mía”.

Thực tế cho thấy công nghệ này có thể giảm được từ 40-50% nước tưới, 40% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nước chảy theo ống đặt ngầm dưới lòng đất, nước ngấm dần, trực tiếp cung cấp cho bộ rễ giúp cây mía hấp thụ nhiều và nhanh hơn so với cách tưới thông thường, vì thế mía có thể lưu gốc từ 4-5 năm và hạn chế được các loại cỏ dại. Mô hình tưới nước cho mía bằng công nghệ nhỏ giọt đã mở ra cơ hội canh tác hiệu quả cho những hộ dân ở vùng khan hiếm nước, hy vọng trong thời gian tới mô hình này sẽ được bà con nhân rộng hơn nữa./.

Thiên Nga, Nhâm Dung,Xuân Huy


Lượt xem: 143

Trả lời