Hiệu quả từ giao khoán rừng cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Ia Pa

Cập nhật 15/3/2017, 05:03:52

Trong những ngày đầu tháng 3 này, người dân ở Pleipa Ama H’Lăk, xã Chư Mố (Ia Pa) lại có thêm niềm vui khi được nhận tiền dịch vụ chi trả môi trường rừng năm 2016. Đây cũng là thành quả xứng đáng mà người dân được hưởng sau một năm chung sức cùng chính quyền, đơn vị chủ rừng quản lý, bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng nhận khoán.

Thực hiện chủ trương giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS tại chỗ, nhiều năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố đã tổ chức giao khoán rừng cho 185 hộ dân, thuộc 3 xã Chư Mố, Ia KDăm và Ia Ma Rơn quản lý, bảo vệ với tổng diện tích rừng giao khoán là hơn 5.800 ha. So với hình thức giao khoán theo cộng đồng thôn, làng và hộ cá thể như trước đây, hình thức giao khoán nhóm hộ đã phát huy được vai trò tự chủ, ý thức trách nhiệm của người dân nhận khoán.

Anh Ksor Mum, Pleipa Ama H’Lăk, xã Chư Mố, Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Từ ngày tôi và một số hộ dân trong buôn thành lập nhóm, nhận rừng để quản lý, bảo vệ, công tác họp nhóm, triển khai nhiệm vụ tuần tra, chăm sóc rừng đã thuận tiện hơn. Mỗi tuần, trong nhóm cử 2 đến 3 hộ thay nhau tuần tra diện tích rừng nhận khoán để kịp thời phát hiện đối tượng phá, lấn chiếm rừng. Trong những dịp cao điểm như vào mùa khô hay dịp lễ tết, ngoài việc luân phiên cắt cử các hộ quản lý rừng thường xuyên thì tùy vào tình hình, cả nhóm sẽ tổ chức tuần tra, báo cáo tình hình với chủ rừng, cũng như chính quyền địa phương về phòng, chống cháy rừng và quản lý, bảo vệ rừng”.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức giao khoán rừng cho đồng bào DTTS tại chỗ  quản lý, bảo vệ, không chỉ san sẻ bớt công việc cho chủ rừng mà còn nâng cao hiệu quả cũng như góp phần tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn. Với đơn giá bình quân khoán hơn 200.000 đồng/ha, mỗi hộ dân nhận khoán mỗi năm ít nhất cũng có thêm trên dưới 10 triệu đồng. Đây là kinh phí từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Nay Ú, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố, Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Diện tích rừng do Ban quản lý rất lớn với địa bàn trải rộng, công tác tuần tra gặp nhiều khó khăn do địa hình phần lớn là đồi núi. Để giảm số vụ vi phạm, ngoài việc xử lý, chúng tôi thường xuyên triển khai các nội dung tuyên truyền giúp người dân, phần chính là các hộ dân sống gần rừng hiểu về giá trị của rừng và từ đó chung tay bảo vệ rừng có hiệu quả lâu dài”.

Bằng những cam kết, quy chế giao khoán chặt chẽ, rõ ràng, từ việc quyền lợi của người tham gia giữ rừng được đáp ứng, ý thức, trách nhiệm của người dân cũng đã được tăng cường. Chính vì vậy, mặc dù diện tích rừng khá lớn nhưng thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thuộc diện tích giao khoán cho các nhóm hộ gần như không xảy ra.

Theo kết quả nghiệm thu rừng năm 2016 thì các hộ dân được Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Chư Mố giao khoán đều quản lý tốt diện tích rừng được giao. Từ đây, 100% diện tích rừng giao khoán cho các hộ dân đều được quyết toán kinh phí theo quy định.

Ông Nay Ú, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố, Ia Pa, Gia Lai cho biết thêm:“Các hộ nhận khoán thường xuyên được tập huấn, thực hiện công tác kiểm tra rừng tại lô giao khoán với tinh thần trách nhiệm cao hạn chế các vụ lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên chúng tôi cũng kiến nghị cần tăng tiền dịch vụ giao khoán rừng cho người dân, vì hiện nay đơn giá 200.000đ/ha là quá thấp”.

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố thì với việc giao khoán rừng cho các nhóm hộ, không chỉ công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao mà còn đẩy mạnh được hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Bởi vì, mỗi hộ nhận khoán đã trở thành những hạt nhân trong việc chấp hành quy định pháp luật liên quan đến rừng. Từ đây, các hộ sẽ vận động người thân cùng chung sức để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn./.

Quốc Anh, Minh Trí


Lượt xem: 77

Trả lời