Hiệu quả trên cây mía nhờ áp dụng cơ giới hóa kết hợp với tưới nước

Cập nhật 08/3/2017, 08:03:20

Vụ mía 2015-2016, lần đầu tiên Nhà máy Đường An Khê thử nghiệm mô hình sử dụng nguồn nước thải sau xử lý của đơn vị để tưới mía, cùng với  áp dụng  quy trình sản xuất cơ giới hóa tại vùng mía sông Ba, suối Vối, Gò Thông -thuộc phường Ngô Mây, thị xã An Khê, bước đầu cho hiệu quả đáng ghi nhận.

Trên cánh đồng mía 1,3 ha của gia đình ông Dương Văn Thiên, tổ 2-phường Ngô Mây- thị xã An Khê được áp dụng mô hình sử dụng nguồn nước thải sau xử lý và quy trình sản xuất cơ giới hóa của Nhà máy Đường An Khê đang thời kỳ thu hoạch cho thấy: thân mía to đều, lá xanh mướt và cao. Được biết, trên diện tích 1,3 ha, gia đình ông Thiên chọn giống mía K95-84 vào trồng và đây là vụ mía tơ đầu tiên. Mặc dù  sản xuất trong điều kiện ảnh hưởng thời tiết mùa khô 2016 (năm khô hạn nặng), nhưng nhờ được đầu tư cơ giới hóa, chăm sóc đúng kỹ thuật và đảm bảo nước tưới,  nên cánh đồng mía phát triển tốt, năng suất cao. Dự tính, vụ này cánh đồng cho lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng, tương đương mức lợi nhuận 83 triệu đồng/ha và đạt năng suất 150 tấn mía/ha.

Ông Thiên  cho biết: “Trồng đúng kỹ thuật mô hình của nhà máy đề ra theo cách cơ giới hóa của nhà mấy đề ra đạt hơn hồi xưa giờ. Hồi xưa giờ trồng 1 ha được khoảng năm mươi mấy, sáu mươi tấn thôi, nhưng năm nay 1 ha có thể 150 tấn. Nguồn nước của nhà máy đã qua xử lý mình tưới thấy hiệu quả, không có mùi, màu mè, độc hại gì hết”.

Trong vụ Đông Xuân 2015-2016, trước tình hình nắng hạn gay gắt kéo dài, Nhà máy Đường An Khê đã chủ động lên phương án hỗ trợ bà con nông dân tưới nước cho mía; đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống dẫn nước đến tận ruộng miễn phí cho nông dân. Mô hình được triển khai thử nghiệm đầu tiên tại vùng mía dọc sông Ba, suối Vối, Gò Thông- phường Ngô Mây- thị xã An Khê, thu hút 25 hộ dân tham gia trên diện tích 19 ha. Tổng kinh phí cho việc lắp đặt hệ thống tưới phun tầm 1 tỷ đồng. Nước tưới được sử dụng từ nước thải tuần hoàn đã qua xử lý của Nhà máy Đường và nước sông Ba. Bên cạnh đó, Nhà máy tiếp tục duy trì đầu tư cơ giới hóa vào toàn bộ diện tích mía trên. Dự kiến, chi phí sản xuất mía trung bình 75 triệu đồng/ha, Nhà máy Đường sẽ đầu tư 40 triệu đồng cho các khâu cày, bừa đất, trồng mía và 1.000 kg phân bón, số chi phí còn lại do người trồng mía đầu tư (khoảng 35 triệu đồng).

Ông Nguyễn Hoàng Phước- Phó giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết: “Năm nay thì bà con đăng ký trên 200 ha, cả dọc theo xã Thành An, dọc theo Sông Ba và nhà máy đang làm thì đăng ký đến giờ này trên 300 ha. Dự  tính vụ tới nhà máy sẽ báo cáo với chính quyền địa phương, tuyên truyền đến tận người dân đồng tình ủng hộ trong thực hiện cánh đồng lớn trong quy hoạch vùng này từ 300-500 ha để áp dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời, sử dụng nguồn nước tưới của nhà máy nhằm nâng cao năng suất cho bà con nông dân và tạo điều kiện cho bà con nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình và tạo thành một vùng mía công nghiệp sánh bằng với các huyện thị Đăk Pơ, Kbang, Kongchoro trong những năm vừa qua đã làm”.

Việc sử dụng nguồn nước đã qua xử lý của Nhà máy để tưới cho mía được xem là cách làm hiệu quả nhằm hướng đến việc chuyên canh cây mía vùng thiếu nước, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng mía cho Nhà máy, vừa đem lại thu nhập cao cho người trồng và đặc biệt là  khẳng định được hiệu quả trong việc xử lý nguồn nước thải của Nhà máy đã đảm bảo môi trường. Hiệu quả từ việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất kết hợp được hỗ trợ nguồn nước tưới cho cây mía tại phường Ngô Mây cũng mở ra triển vọng giúp nông dân An Khê từng bước nhận thức rõ lợi ích và đồng thuận thực hiện của việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại địa phương./.

Phương Thanh-Duy Từ


Lượt xem: 50

Trả lời