Hiệu quả Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Ia Pa

Cập nhật 13/6/2016, 09:06:30

       Sau gần 1 năm triển khai, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại huyện Ia Pa bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong đó điểm nhấn chính là việc Dự án đã trao cơ hội và là cầu nối quan trọng giúp nhiều người nghèo tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước vươn lên trong cuộc sống. 

Tiểu dự án bò lai sinh sản triển khai tại thôn Hoa Sen, xã Ia Mrơn bước đầu cho thấy tính hiệu quả trong sản xuất của người dân. Sau khi được Dự án thẩm định, cấp 10 bò cái và 1 bò đực, 10 hộ trong nhóm đã xây dựng ý tưởng, lên phương án chăn nuôi, đồng thời cùng chịu trách nhiệm. Để phát triển đàn bò, các hộ còn chủ động trồng thêm cỏ, duy trì các nguồn thức ăn ổn định và luôn bàn bạc thống nhất trọn ra hướng đi chung trong quá trình chăn nuôi.

Anh Hoàng Văn Hiển – Thôn Hoa Sen, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Thông qua các buổi họp nhóm thì các thành viên thì người nào chưa hiểu được cách chăm sóc làm sao cho bò đẹp, mập thì sẽ học hỏi từ các hộ có bò phát triển tốt. Đó là điều chúng tôi thường làm”.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu của dự án anh Dương Văn Bắc – Cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng thuộc Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Ia Pa, Gia Lai cho biết: “ Sự phát triển của đàn bò là rất tốt, ngày xưa mua con bò chỉ có hai tạ mấy mà bây giờ qua qúa trình chăn nuôi của bà con được 7 tháng thì trọng lượng của đàn bò tăng lên rất cao. Trong 10 con của đàn bò nhóm đây thì hiện 9 con đã có chửa và 1 con đã sinh bê con. Đây là thành công bước đầu”….

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai tại huyện Ia Pa hiện có 23 nhóm với gần 400 hộ dân tham gia. Sau chưa đầy 1 năm triển khai đã có gần 10% hộ dân thoát khỏi diện nghèo. Chính từ thành công bước đầu này, năm 2016, Dự án tiếp tục phân bổ 25 tỷ đồng để triển khai 4 hợp phần tại 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Ia Pa gồm: Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi và Ia Mrơn. Trong đó vốn ODA là 24,2 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng là 783 triệu đồng. Điểm đáng chú ý đó là các hợp phần đều chú trọng thực hiện các tiểu dự án về cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế bền vững cũng như triển khai việc quản lý dự án. Cho đến thời điểm này, nhiều tiểu dự án được chú trọng triển khai, đem lại niềm vui lớn cho người dân thụ hưởng.

Ông Võ Tấn Công – Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Từ thành công của các nhóm sẽ lan tỏa ra các hộ dân lân cận, người ta thấy các thành viên nhóm sinh kế làm ăn tốt thì người ta cũng theo, học hỏi và mong muốn thời gian tới sẽ được tham gia vào dự án”…

 

       Trao cơ hội và “ cần câu” để người dân thoát nghèo bền vững là điều mà Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hướng đến. Thông qua cách làm cộng với những bước đi phù hợp, dự án thực sự trở thành cầu nối quan trọng đưa chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân vùng khó…./. 

Đoàn Bình -Thanh Sáng


Lượt xem: 70

Trả lời