Hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ và vấn đề quyền lợi của người tiêu dùng

Cập nhật 25/8/2016, 13:08:06

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện thật – giả. Chính vì vậy, để chống hàng giả, hàng nhái đạt hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng thì yếu tố then chốt là doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

25.8hanhhoas

Vào khoảng cuối năm 2015 do Đội Quản lý thị trường (QLTT) lưu động thuộc Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai thực hiện  đợt kiểm tra đột xuất một số cơ sở buôn bán, kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn TP.Pleiku. Hơn 2.800 sản phẩm vi phạm bị phát hiện; trong đó có 985 phụ tùng Honda không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 1.836 sản phẩm các loại của phụ tùng xe máy như: Má phanh đĩa, ổ khóa, dây thắng,… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda.

Hơn 17.000 sản phẩm hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính khác  là những mặt hàng không nguồn gốc, xuất xứ và hàng giả, hàng vi phạm sỡ hữu trí tuệ, gồm: Rượu, phụ tùng xe máy, đồng hồ, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thực phẩm chức năng… với tổng giá trị thành tiền gần 670 triệu đồng được Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai tổ chức tiêu hủy vào tháng 01/2016.

Những con số trên cho thấy cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại Gia Lai vẫn diễn ra tràn lan, phức tạp và tinh vi. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục QLTT tỉnh đã kiểm tra và xử lý 05 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt 133,5 triệu đồng.

Ông Lê Hồng Hà – Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai cho biết: “Qua công tác kiểm tra kiểm soát theo kế hoạch hàng năm của chi cục thì kiểm tra phát hiện rất là nhiều các hàng hóa vi phạm; trong đó có hàng không rõ nguồn gốc, rồi hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Có một điều mà chúng ta phải suy nghĩ đó là tâm lý của người tiêu dùng chúng ta hiện nay, trong đó có bộ phận người dân có thu nhập thấp thường có mục tiêu chọn hàng giá rẻ nhưng lại là hàng nước ngoài. Từ khó khăn đó nó cũng là 1 cái khó khăn trong công tác kiểm soát thị trường và các đối tượng cũng lợi dụng tâm lý này để tuồn hàng hóa ra thị trường và phục vụ cho mục đích bất chính của mình”.

Mặc dù một số doanh nghiệp đã chú trọng đến công tác bảo vệ thương hiệu với việc đăng ký bản quyền cho sản phẩm của mình nhằm tránh bị làm giả, làm nhái… song con số này xem ra vẫn còn rất khiêm tốn. Thêm vào đó, sự phối hợp vẫn còn thiếu chặt chẽ giữa doanh nghiệp có sản phẩm bị xâm hại với các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa giải quyết được triệt để. Thực tế hiện nay cho thấy, nếu một loại hàng hóa nào đó đang được người tiêu dùng quan tâm và tiêu thụ tốt trên thị trường thì sẽ bị làm giả, làm nhái và thậm chí là được bày bán công khai. Hầu hết các sản phẩm này thường nhái về bao bì, nhãn mác và sản phẩm không khác gì so với hàng thật nhưng giá thành lại rẻ hơn. Trong khi đó không phải người tiêu dùng nào cũng có đủ kiến thức để phân biệt được hàng thật và hàng giả nên rất dễ bị đánh lừa, móc túi.

Ông Phạm Văn Công – Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng và Hàng rào kỹ thuật (TBT), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Sở KH&CN Gia Lai cho biết: “Trong kiểm tra thì thấy thường một thiếu sót lớn đó là hồ sơ chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thì cơ sở thường chưa xuất trình được, cho nên là nhân dân nếu những người nào mua hàng thì nên chú ý hàng phải có nhãn hiệu đầy đủ và có tem hợp quy phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam TCVN3/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ”.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái tồn tại đã từ lâu và là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Để phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả thì một trong những yêu cầu cần thiết và có tính lợi ích là các doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ (với việc bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa…). Đồng thời quyết liệt phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý tận gốc hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; nhằm đảm bảo một cách tốt nhất cho quyền lợi của người tiêu dùng khi được sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng ./.

Mỹ Tiến- Xuân Huy – Huy Toàn

 

 


Lượt xem: 165

Trả lời