Hạ tầng giao thông, điểm sáng trong bức tranh kinh tế Gia Lai năm 2015

Cập nhật 31/12/2015, 10:12:35

     Năm 2015 mặc dù kinh tế trong nước và địa phương vẫn gặp không ít khó khăn, song bức tranh kinh tế Gia Lai cũng tạo được những điểm sáng khá ấn tượng. Đặc biệt là lĩnh vực đầu tư – xây dựng, một số công trình sau khi hoàn thành đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Gia Lai về trước mắt cũng như trong tương lai.

     Trọng điểm là các công trình giao thông được đầu tư đồng loạt. Đến nay hệ thống giao thông ở các địa phương, kể cả những nơi khó khăn nhất của tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển giao thương của người dân. Điển hình như Hà Tây là một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai. Trước năm 2014, từ trung tâm huyện vào đến xã chỉ khoảng 8km nhưng phải đi mất hơn nửa ngày. Sau nhiều năm mong đợi, đầu năm 2015 giấc mơ về một con đường mới đã thành hiện thực.

     Ông Trần Anh Hào – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây, huyện Chư Păh bày tỏ:" Có được con đường như vậy không chỉ tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân, còn tạo cơ hội giao thương phát triển. Đặc biệt là đối với nông sản giá cả cũng được nâng lên. Trước đây lúc nào cũng phải mất 1- 2 giá, bây giờ giá cả cũng khá hơn, thu nhập người dân cũng ổn định.’’

     Năm 2015 tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh là hơn 15.618 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Trong đó đầu tư cho hệ thống giao thông luôn được ưu tiên hàng đầu. Vì xác định đây là điều kiện quan trọng để đưa kinh tế – xã hội phát triển ổn định và bền vững. Ngoài các công trình đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, một số công trình giao thông huyết mạch thực hiện theo hình thức BOT cũng được triển khai đảm bảo tiến độ.

Đến nay các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh thuộc quốc lộ 14, quốc lộ 19 sau khi hoàn thành đã khắc phục khó khăn về giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, mở ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế-  xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh khu vực Tây Nguyên.

Không chỉ tập trung phát triển giao thông đường bộ, giao thông hàng không cũng được quan tâm đầu tư. Đầu tháng 9 năm 2015 dự án “Kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay và Nhà ga hành khách – Cảng hàng không Pleiku” với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian đi lại cho cán bộ, nhân dân Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.

     Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải khẳng định kết cấu hạ tầng là một trong những thách thức và điểm nghẽn của phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy trong chiến lược đột phá sắp tới, Chính Phủ xác định đầu tư kết cấu hạ tầng là một trong những điểm đột phá để tạo điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế trong nước.

     Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo:"Giao thông phát triển đến đâu kinh tế phát triển đến đó. Thời gian tới các địa phương phải nỗ lực hơn nữa trong việc huy động các nguồn vốn triển khai các dự án hạ tầng giao thông một cách quyết liệt hơn và khẩn trương hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển.’’

     Theo kế hoạch năm 2016 hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng phát triển, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày càng phát triển

     Ông Nguyễn Hữu Quế – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết:" Trong năm 2016 với sự đầu từ nhiều nguồn vốn kết cấu hạ tầng giao thông của Gia Lai tiếp tục được đầu tư. Cụ thể sẽ kéo dài dự án BOT QL 19 từ chân đèo Mang Yang đến hết thị trấn Đăk Pơ, đây là một trong những điểm đen về an toàn giao thông, đầu tư tuyến tránh đi qua thành phố Pleiku kép dài từ Chư Păh đến Hàm Rồng, đoạn QL 25 cũng được đầu tư nâng cấp một số đoạn xung yếu. Trước sức ép về tăng trưởng hàng không rất lớn, triển khai sửa chữa sân bay Pleiku. Trên cơ sở đầu tư đồng bộ, phát triển mạnh các loại hình vận tải, vừa góp phần tăng tính cạnh tranh.  Đến nay có thể nói điều kiện giao thông của Gia Lai đã cơ bản hoàn thiện, tạo thuận lợi rất nhiều cho việc đi lại của người dân.’’

     Gia Lai không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế – xã hội. Những năm trước đây điều kiện giao thông đi lại khó khăn đã gây ra một số hạn chế nhất định, đặc biệt là trong công tác kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn. Hiện nay những khó khăn này cơ bản được khắc phục sẽ là cú hích để tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và bức tranh kinh tế Gia Lai sẽ tiếp tục có những điểm sáng mới đầy hứa hẹn.

Hồng Uyên – Minh Trí – R’Piên


Lượt xem: 87

Trả lời