Giáo dục ở vùng khó Ayun

Cập nhật 22/3/2017, 08:03:25

Không so sánh với các vùng thuận lợi bởi vẫn còn nhiều thiếu thốn và khó khăn với các thầy, cô giáo và cả học sinh ở xã vùng khó Ayun của huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai); thế nhưng sự nghiệp giáo dục ở Ayun trong những năm gần đây đã dần có những khởi sắc nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, của ngành giáo dục và cả tâm huyết của những giáo viên với mong muốn đưa con chữ đến với những học sinh nghèo nơi đây.

Mặc dù vẫn còn thiếu về cơ sở vật chất, thế nhưng 5 lớp học bán trú với 176 em thuộc 2 khối lớp 4 và 5 tại điểm trường chính trong tổng số 11 điểm trường của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Lê Lợi (xã Ayun, huyện Chư Sê) chính là kết quả cho những nỗ lực và cố gắng của tập thể nhà trường; nhằm đảm bảo cho công tác duy trì sĩ số học sinh, nâng dần chất lượng dạy và học. Với những giáo viên công tác tại trường, người ít nhất cũng vài ba năm, còn người nhiều nhất cũng gần hai chục năm và được luân chuyển từ điểm trường này đến điểm trường khác. Thế nhưng với họ, gắn bó được với sự nghiệp trồng người nơi đây cho đến hôm nay là bởi tâm huyết và trách nhiệm của những người giáo viên vì những thế hệ học trò của tương lai đất nước.

Thầy Vũ Khắc Thành – Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Lê Lợi, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai  cho biết: “Do tiếng Việt của các em còn hạn chế nên truyền đạt kiến thức cho các em phải theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, phải tận tình, tỉ mỉ hơn những giáo viên công tác ở vùng thuận lợi”.

Với gần 100% học sinh là người DTTS, thế nhưng đến thời điểm này của năm học 2016-2017 ở điểm trường chính không có học sinh nào bỏ học và tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 98%. Với chế độ học bán trú, mức hỗ trợ hàng tháng cho mỗi học sinh của trường hiện nay là 480.000 đồng và 15kg gạo. Tuy nhiên, với tập quán còn theo cha mẹ lên nương rẫy vào mỗi mùa vụ nên đó cũng là khó khăn mà nhà trường đang tìm hướng khắc phục để đảm bảo cho việc học tập của học sinh.

Thầy Lê Ngọc Tĩnh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lê Lợi, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai  cho biết: “Với điểm trường trung tâm bán trú này thì hàng tuần nhà trường lập 1 đội cứ chiều chủ nhật là vào làng chở các em ra. Nói chung là tuần nào cũng thế, khi mà các em ra đây thì nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho các em ăn, ở, ngủ, nghỉ và sinh hoạt vui chơi nên các em cũng yêu trường, yêu lớp. Về mục tiêu của nhà trường chỉ là nâng chất lượng đại trà thôi chứ mặt bằng của các em ở đây rất thấp nên nhà trường cũng đã có rất nhiều giải pháp. Cho giáo viên chủ động phương pháp dạy học, không gò bó các em, không ép các em mà linh hoạt các phương pháp để các em có những kiến thức cơ bản, cho các em làm sao biết được những cái cơ bản nhất chứ nhà trường không đòi hỏi phải nâng cao. Thì chất lượng giáo dục của nhà trường so với trước đây đã nâng lên rõ rệt”.

Những con chữ được gieo vần và những học sinh nơi vùng khó Ayun này rồi sẽ được học hành đầy đủ. Biết cái chữ là trước mắt, nhưng điều quan trọng hơn là những tri thức được gieo mầm từ đây sẽ giúp những đứa trẻ nghèo ở Ayun có thể thoát được cái đói, cái nghèo; làm giàu cho quê hương ./.

Mỹ Tiến, Minh Trí


Lượt xem: 117

Trả lời