Giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh Gia Lai- Kỳ 2: Những thành tựu giảm nghèo đáng ghi nhận 5 năm qua.

Cập nhật 14/9/2020, 07:09:30

Công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp bộ Đảng, chính quyền địa phương. Từ thực trạng nghèo trước nhiệm kỳ, giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều quyết sách trong công tác xóa đói giảm nghèo, huy động sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Mời quý vị và các bạn theo dõi kỳ 2 của sêri phóng sự: “Giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh Gia Lai’” với tiêu đề: Thành tựu giảm nghèo 5 năm giai đoạn 2015-2020

Thực hiện Quyết định số 1722 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các văn bản chỉ đạo giảm nghèo của trung ương, Tỉnh ủy ban hành các Nghị quyết chuyên đề triển khai công tác giảm nghèo, đặc biệt Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XV) về giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 964 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành thành viên phụ trách theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc 17 huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Các địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai phù hợp theo từng vùng từng địa phương cụ thể.

Ông Puih Rúch- Bí thư Đảng ủy xã Ia Băh, Ia Grai cho biết: “Đối với công tác xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ coi là nhiệm vụ trọng tâm của toàn khóa. Chúng tôi phân công cấp ủy về dự sinh hoạt tại cơ cở, các chi bộ thì phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ dân để trực tiếp nắm bắt khó khăn, hỗ trợ thoát nghèo. Trách nhiệm của cán bộ đảng viên được gắn với nhiệm vụ các chỉ tiêu giảm nghèo nên có hiệu quả”.

Bà Siu Blớt- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông cho biết: “Xã đang tập trung đưa ra các giải pháp như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo DTTS có đăng ký thoát nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng báo DTTS ở các thôn làng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời thì cũng triển khai các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ thiếu hụt các chỉ số tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tiếp đó là triển khai dạy nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo”.

Mặt trận đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội đã triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động lồng ghép vào chương trình xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt là Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phát huy nguồn vốn ”Quỹ vì người nghèo”,  thực hiện sâu rộng cuộc vận động ”thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, phương pháp hợp lý trong việc xây dựng được các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng hộ dân, từng địa phương. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phương thức sản xuất chăn nuôi , áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đào Hải Nam- Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Ia Grai khẳng định: “Thời gian qua UBNMTQVN huyện đã tuyên truyền và triển khai cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ cách làm”đem lại hiệu quả. Ban đầu thì chọn hộ và mô hình thí điểm để triển khai, đến nay thì nhiều mô hình đạt hiệu quả. Từ hiệu quả đó, thời gian tới, UBMTTQ huyện sẽ chỉ đạo Mặt trận các cơ sở tiến hành nhân rộng các mô hình mới, thực hiện rộng khắp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân áp dụng chuyển đổi cây trồng vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống”.

Chị Sang- Xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang nói: “Nhà nước hỗ trợ cho mình giống dê sinh sản, mình được hướng dẫn cách chăn nuôi và nay thì dê nhà mình đẻ rất nhiều, bán có tiền. Gia đình rất mừng, có dê rồi thì làm thêm bời lời, cà phê, bơ sầu riêng  nữa, nhiều nguồn thu nên cuộc sống ổn định”.

Song song đó, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ và nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó người nghèo đã thụ hưởng được nhiều chính sách ưu tiên từ các chương trình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Võ Anh Tuấn- Bí thư Huyện ủy Ia Pa cho biết: “Công tác giảm nghèo được cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng; địa phương đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng đặc biệt khó khăn; triển khai lồng ghép các chương trình, dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Nhờ chỉ đạo sát sao và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là 5,44%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm 4,89%”.

Nhờ có sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2015-2020 đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh qua từng năm. Cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 40,18%; đến năm 2019 giảm còn 14,87% (bình quân mỗi năm giảm trên 6,3%), phấn đấu đến cuối năm 2020 còn dưới 6,25%./.

Ngọc Ánh -Duy Linh- Phi Long

 


Lượt xem: 114

Trả lời