Gia Lai – Thanh niên người dân tộc thiểu số nỗ lực lập thân, lập nghiệp

Cập nhật 13/12/2021, 16:12:36

Tỉnh Gia Lai hiện có trên 79.000 đoàn viên, thanh niên, trong đó trên 40% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các cấp bộ đoàn, hội, đã có nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần nhiệt huyết, hăng say lao động, sản xuất, từng bước vươn lên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Vườn chuối 3 hec ta của gia đình anh Blan – dân tộc Bahnar ở làng Đông Hyang, xã Đê Ar, huyện Mang Yang hàng năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng; đây là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công. 3 năm trước đây, gia đình anh trồng mì nhưng vì đất đồi dốc, cằn cỗi, cây phát triển kém, năng suất thấp. Chính vì thế, anh Blan đã quyết tâm đến học hỏi, tham khảo ý kiến cũng như nhờ sự tư vấn của cán bộ khuyến nông tại địa phương để phát triển mô hình kinh tế này.

Anh Blan nói: “Hiện nay gia đình tôi trồng chuối mang lại thu nhập ổn định tôi rất phấn khởi, tôi cố gắng làm ăn phát triển kinh tế hơn nữa để có cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Không chịu đói nghèo, lạc hậu, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai cố gắng học hỏi, tìm kiếm hướng đi mới để lập thân, lập nghiệp. Tuy hành trình vươn lên ấy gặp không ít trở ngại, thách thức, nhưng sự kiên trì, quyết tâm trong mỗi bạn trẻ đều rất đáng ghi nhận. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu, trở thành “mũi nhọn xung kích” trong công tác xóa đói, giảm nghèo, cùng giúp đỡ nhiều thanh niên tại địa phương lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương Gia Lai.

Anh Siu ALênh – Thôn Puôi Lốp, xã Ia Le, huyện Chư Pưh chia sẻ: “Năm 2017 tôi mua thỏ về nuôi nhưng thất bại, vậy là tôi quyết định nuôi dê. Nhưng mà dê cũng chết. Sau đó, tôi đi học hỏi, giao lưu tôi cũng biết cách, nên hạn chế được số lượng dê mắc bệnh. Hai năm nay tôi đã có thu nhập từ đàn dê mỗi lần 30 triệu đồng. Huyện đoàn Chư Pưh cũng đã đồng hành cùng gia đình nên chúng tôi rất cảm ơn, giờ thoát nghèo rồi thì chúng tôi mừng lắm”.

Và để khơi gợi khát vọng chiến thắng đói nghèo, vươn tới cuộc sống ấm no, ổn định trong thanh niên người dân tộc thiểu số, các cấp bộ đoàn, hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phát huy tốt vai trò đồng hành của mình. Bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, cây, con giống, nhiều cơ sở đoàn, hội còn chủ động mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các lớp dạy nghề và kết nối với nhiều nguồn vay vốn khác nhau để hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên. Từ đó, phong trào lập thân, lập nghiệp trong thanh niên người dân tộc thiểu số được mở rộng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi.

Anh Nguyễn Tuấn Anh – Phó Bí thư Huyện đoàn Đức Cơ cho biết: “Trong thời gian qua, đối với lực lượng thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đức Cơ tuy còn nhiều khó khăn, thanh niên mới tách hộ cũng nhiều, thanh niên không có đất sản xuất cũng có. Tuy nhiên, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành”.

Dù cuộc sống gian khó nhưng những chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số với tràn đầy nghị lực đã tiến về phía trước. Qua đó, cùng góp sức trẻ để góp phần làm khởi sắc nền kinh tế và đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đồng thời xây dựng hình ảnh mới về người thanh niên dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập./ .

Thanh Vui,  Mạnh Hà


Lượt xem: 38

Trả lời