Gia Lai – Những điểm đến du lịch hấp dẫn

Cập nhật 09/5/2022, 13:05:38

Không chỉ tự hào là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, Gia Lai còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh thắng cùng nền văn hóa đặc sắc của 44 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Với những điểm đến hấp dẫn truyền đi thông điệp “Trải nghiệm và chia sẻ”, du lịch Gia Lai ngày càng thu hút và tạo ấn tượng khó quên đối với du khách muôn phương.

Nằm giữa phố núi Pleiku, lâu nay danh thắng Biển Hồ được ví là “Viên ngọc bích” trên Cao nguyên Gia Lai. Đây là danh lam thắng cảnh duy nhất ở tỉnh Gia Lai được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia. Với vẻ đẹp tự nhiên hùng vỹ và thơ mộng nhất khu vực Tây Nguyên hòa cùng những hàng thông xanh ngát, Biển Hồ là 1 trong những điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách khi đến với Gia Lai. Với không khí mát mẻ, trong lành, Biển Hồ đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị khi được hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp.

Chị Nguyễn Thị Loan – Du khách tỉnh Thanh Hóa nói: “Khí hậu ở đây rất tốt, trong lành, con người ở đây rất thân thiện. Nếu được đến đây lần nữa thì vẫn thích ghé thăm Gia Lai và những điểm du lịch ở đây như Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”.

Ông Nguyễn Văn Dưỡng – Du khách tỉnh Vĩnh Long cũng có cùng nhận xét: “Lên đây thấy khí hậu mát mẻ và phong cảnh quá đẹp, làm cho mình sảng khoái”.

Ở độ cao 700-800 m với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa đã mang đến cho Gia Lai những thắng cảnh thiên nhiên được mệnh danh là tuyệt tác giữa đại ngàn khác như: Thác 50, núi lửa Chư Đăng Ya cùng hệ thống sông, hồ hết sức kỳ vĩ, thơ mộng. Mới đây, du lịch Gia Lai còn có thêm những điểm đến mới lạ, độc đáo và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng – Gò Đá, Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Điều này không chỉ tạo nên những thế mạnh riêng có về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa-lịch sử cho ngành du lịch tỉnh mà còn đem đến những trải nghiệm thú vị, khó quên đối với nhiều du khách.

Anh Võ Tấn Phương – Du khách tỉnh Bình Định cho biết: “Những người ở Bình Định và thành phố biển rất muốn lên Tây Nguyên để tạo sự mới mẻ và tham quan những điểm du lịch trên đây”.

Cùng với lợi thế đặc biệt về tự nhiên, Gia Lai còn có nền văn hóa đặc sắc của 44 dân tộc sinh sống trên địa bàn, thể hiện sinh động qua phong tục, tập quán và lễ hội hết sức độc đáo. Trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Được hòa cùng tiếng cồng tiếng chiêng và tìm hiểu văn hóa đặc sắc của các dân tộc đã đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn và thú vị.

Anh Đàm Hoàng – Du khách Hà Nội chia sẻ: Mỗi lần đến với Gia Lai thì chúng tôi có những cảm xúc riêng. Với nét đa dạng về văn hóa của vùng đất Gia Lai này cùng với những cảnh quan, lịch sử thì tôi tin chắc rằng Gia Lai cũng thu hút được du khách rất đông trong thời gian tới.

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh cùng các điểm đến hấp dẫn, ngành du lịch tỉnh Gia Lai đang được đánh thức “sau giấc ngủ dài”. Trong quá trình phát triển, Gia Lai đã và đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn và ấn tượng để thu hút, giữ chân du khách muôn phương.

Ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Chúng tôi xác định du lịch sinh thái, du lịch văn hóa là chủ đạo nhưng chúng tôi cũng xây dựng thêm sản phẩm du lịch lịch sử, du lịch khảo cổ và đang hình thành những tour du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Chúng tôi xác định mình phải có những sản phẩm khác biệt so với các địa phương khác, đặc biệt là lợi thế về khí hậu của Pleiku để xây dựng tour xung quanh TP.Pleiku với bán kính khoảng 40 km trở lại/ thu hút khách du lịch.

Theo Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh Gia Lai về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch, Gia Lai phấn đấu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ cùng phát triển; phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,7 triệu lượt khách… Đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc, đạt 4,3 triệu lượt khách, qua đó tiếp tục khẳng định và phát huy các thế mạnh của ngành du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển bền vững, giàu bản sắc./.

Thiên Thanh – Phi Long – Duy Linh


Lượt xem: 53

Trả lời