Gia Lai nâng tầm giá trị các sản phẩm rau, hoa, quả của địa phương

Cập nhật 02/1/2020, 08:01:27

Với xu hướng nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới dự báo tiếp tục tăng sẽ là cơ hội và triển vọng cho rau, hoa, trái cây của tỉnh Gia Lai mở rộng thị trường, xuất ra ngoài tỉnh và thậm chí là các thị trường ngoài nước. Và để làm được điều này, điều quan trọng đó là làm thế nào để nâng tầm giá trị các sản phẩm rau, hoa, quả của tỉnh. Đó cũng là định hướng của các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Gia Lai hiện nay theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 15 về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.

Trước thực tế khó khăn đối với cây tiêu và các loại cây khác như cao su, mía, mỳ… trên địa bàn tỉnh Gia Lai những năm gần đây cho thấy, việc xây dựng quy hoạch phát triển các vùng rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn toàn tỉnh là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đối với thị xã An Khê – một trong những địa phương của tỉnh có tiềm năng đất đai khá lớn và cũng khá thuận lợi cho phát triển các loại rau, hoa và cây ăn quả; thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 15, hiện thị xã đã có kế hoạch cũng như đã triển khai thực hiện một số mô hình tại một số địa phương trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi xác định vùng chuyên canh rau với nhãn hiệu rau An Khê tại vùng An Bình với HTX An Bình; đồng thời chúng tôi xác định vùng cây ăn quả ở Cửu An gắn với 1 số cây bản địa như cây dâu da đỏ để hình thành vùng du lịch nông nghiệp; và vùng thứ 3 chúng tôi xác định đó là vùng cây hoa của hội những người trồng hoa của Ngô Mây gắn với mô hình Nông hội về hoa. Đây là vùng triển vọng rất lớn về hoa của An Khê bởi thế mạnh của chúng tôi đó là có nghề trồng hoa lâu đời”.

Một chuyển động rất đáng phấn khởi, tạo đà mạnh mẽ cho thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa 15 về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 đó là việc khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Doveco tại xã Đăk Djrăng tại huyện Mang Yang. Với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm và kỳ vọng mang về kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100 triệu USD/năm; việc đi vào hoạt động của Trung tâm chế biến rau quả Doveco sẽ tạo điều kiện giới thiệu rau, quả đặc sản có lợi thế khu vực Tây Nguyên, đồng thời dần từng bước định vị và khẳng định thương hiệu rau, quả của Gia Lai.

Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn; tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2030, giá trị sản xuất rau, hoa và cây ăn quả các loại trên địa bàn tỉnh tăng trên 7%; đưa tỷ trọng giá trị rau, hoa và cây ăn quả trong ngành trồng trọt chiếm trên 15% vào năm 2025. Cụ thể, về rau sẽ hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt với diện tích đất canh tác khoảng 350 ha và trước mắt thực hiện thí điểm ở TP.Pleiku cùng thị xã An Khê. Về hoa sẽ mở rộng diện tích trồng khoảng 170 ha; xây dựng, phát triển vùng sản xuất hoa chuyên canh gắn với du lịch nông nghiệp.  Còn về cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả của tỉnh phát triển lên khoảng 17.530 ha với nhiều loại cây như: Sầu riêng, bơ, xoài, thanh long, chanh dây… Đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Trường – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Sở KH&CN để xây dựng nhãn hiệu rau An Sơn. Có được nhãn hiệu rau đó thì chúng tôi xem như là 1 điều kiện tốt để mở rộng, củng cố sản phẩm trên địa bàn huyện từ đó xây dựng một cách chắc chắn hơn vùng nguyên liệu rau trên địa bàn”.

Làm thế nào để nâng tầm giá trị các sản phẩm rau, hoa, quả của địa phương; theo Nghị quyết số 10-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa 15, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu trước hết phải đảm bảo cho người dân Gia Lai và người tiêu dùng trong nước được sử dụng rau xanh an toàn, hoa đẹp, trái cây thơm ngon mang nét riêng của vùng thổ nhưỡng, khí hậu của Gia Lai. Theo đó, đối với cây ăn quả, tỉnh sẽ sớm xây dựng phương án, đề án phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh dựa trên cơ sở đất đai, khí hậu, trình độ canh tác và khả năng đầu tư. Đối với vùng sản xuất hoa sẽ lựa chọn các khu vực đã có làng nghề, kinh nghiệm sản xuất nhiều năm, ổn định quỹ đất và chọn giống phù hợp. Với mục tiêu đề ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Gia Lai đặt ra để thực hiện đó là tập trung rà soát bổ sung định hướng phát triển các vùng chuyên canh rau, hoa và cây ăn quả; nghiên cứu xây dựng, ban hành các quy định phù hợp, đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển sản xuất các vùng nguyên liệu rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ổn định, bền vững, hiệu quả./.

Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 322

Trả lời