Gia Lai-Khó kiểm soát chất lượng rượu nấu thủ công

Cập nhật 20/3/2017, 08:03:06

7 người tử vong do ngộ độc rượu tại Lai Châu hồi tháng 2.2017, tiếp đó tại Hà Nội lại có thêm 9 sinh viên quê Gia Lai phải nhập viện do ngộ độc rượu do methanol – liên tiếp các vụ ngộ độc là lời cảnh báo về việc lạm dụng rượu bia và vấn nạn ngộ độc rượu do methanol.  Tác hại của rượu ai cũng rõ, hậu quả của loại rượu được làm từ cồn công nghiệp pha nước đối với sức khỏe là khôn lường.

Tuy nhiên có một thực tế tồn tại lâu nay là việc sản xuất, kinh doanh rượu không tem mác khá phổ biến, rượu tự nấu, tự pha chế không rõ nguồn gốc xuất xứ chiếm phần lớn lượng rượu tiêu thụ trên thị trường.

 

Rượu trắng với giá bình dân được bày bán tràn lan tại các cửa hàng tạp hóa, các quán nhậu bình dân. Lượng rượu trắng tiêu thụ tương đối mạnh, nhất là tại các địa bàn vùng nông thôn bởi loại rượu này vừa rẻ vừa dễ mua.

Bà Phan Thị Quý- Làng Dút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: “Rượu mình bán 12.000 đồng/lít, một ngày bán  được khoảng 20 lít”.

Hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có Công ty cổ phần Rượu Trường Sinh Gia Lai được Sở Công thương cấp phép sản xuất rượu. Như vậy có thể thấy các loại rượu trắng được bán tràn lan hiện nay hầu hết đều lấy tại các cơ sở nấu rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc, không đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng.

Uống phải rượu giả không chỉ mất tiền mà mất cả sức khỏe. Điều đáng quan ngại là tình trạng pha cồn công nghiệp vào nước để thành rượu nên hàm lượng methanol khá cao dễ gây ngộ độc. Điều này cho thấy việc chế biến rượu thủ công đang đặt ra mối lo ngại lớn về chất lượng và rất khó kiểm soát.

Ông Lê Hồng Hà – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết: “Việc kiểm tra rượu hiện nay, đặc biệt là với rượu giá rẻ khó khăn ở chỗ các cơ sở sang chiết nấu rượu thủ công thường không có cơ sở kinh doanh cụ thể, không có đăng ký kinh doanh và thường tổ chức nấu rượu là nấu theo nhu cầu của bên tiêu thụ nên việc phát hiện kiểm tra rất khó khăn, trong khi lực lượng quản lý thị trường mỏng trong khi địa bàn phân bố rộng”.

Qua các đợt kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường cho thấy số lượng rượu giả ngày càng nhiều. Phổ biến là tình trạng kinh doanh rượu giả mạo nhãn hiệu Vodka – loại rượu được nhiều người ưa chuộng do giá cả phải chăng. Trước Tết, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã kiểm tra, phát hiện và tịch thu hàng nghìn chai rượu Vodka giả, rượu Quê Hương không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tên cơ sở kinh doanh sản xuất.

Nói về công tác tuyên truyền, kiểm tra trong thời gian tới ông Lê Hồng Hà – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết: “Sắp tới cơ quan quản lý thị trường đã có kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền trước khi tổ chức đồng loạt kiểm tra vì hành vi này xử phạt tương đối nặng. Chúng tôi sẽ tổ chức cho các cơ sở kinh doanh tạp hóa, các quán nhậu, nhà hàng bình dân có kinh doanh rượu cam kết không kinh doanh rượu giả, rượu không nhãn mác, kém chất lượng trước khi tiến hành kiểm tra”.

Trước tình trạng ngộ độc rượu ngày càng gia tăng, ngày 14/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất, xứ dưới mọi hình thức; đồng thời tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự pha chế./.

Kim Châu – Lê Thư -R’Piên


Lượt xem: 104

Trả lời