Gia Lai khó hoàn thành Đề án Bệnh viện vệ tinh trong năm 2020

Cập nhật 06/11/2019, 10:11:15

Tháng 12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh Tim mạch, Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó từ ngày 1/1/2018, Khoa tim mạch và Khoa ung bướu Y học hạt nhân bắt đầu chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, về trang thiết bị kỹ thuật để có thể hoàn thành Đề án Bệnh viện vệ tinh theo như lộ trình đề ra.

Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 2 năm, nhưng lúc nào bệnh nhân nằm điều trị tại khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cũng trong tình trạng quá tải. Hiện khoa được giao biên chế 50 giường bệnh nhưng số giường thực kê lên đến 69 giường. Nếu như trước kia, những bệnh nhân này thường xuyên phải vào TP Hồ Chí Minh để điều trị thì nay họ được chăm sóc ngay tại bệnh viện tỉnh nhà.

Chị Nguyễn Thị Thảo – Người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Mẹ tôi đau tim 3 năm rồi, trước kia thường xuyên đi Sài Gòn, một tháng tái khám 1 lần. Nhưng nửa năm 2018 trở lại đây có khoa tim mạch ở đây nên mẹ tôi điều trị luôn ở bệnh viện, bác  sĩ nhiệt tình, với lại điều trị ở đây đỡ tốn kém”.

Khoa Tim mạch hiện có 11 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa 2, 10 bác sĩ đa khoa. Để đáp ứng yêu cầu chuyên môn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã cử gần 50 lượt bác sĩ, điều dưỡng tham gia các lớp Nội tim mạch cơ bản, Tim mạch can thiệp, Cấp cứu tim mạch,…Theo yêu cầu của đề án, đến nay Khoa Tim mạch đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Ông Phan Công Chiến – Phó trưởng đại diện – Phó phụ trách Văn phòng Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tốt. Cụ thể các lĩnh vực mũi nhọn như khoa tim mạch; ung bướu, răng hàm mặt, chấn thương chỉnh hình, Nhi sản,…đã triển khai rất tốt. Trong đấy 1 tiêu chí lớn nhất là thành lập được một Trung tâm tim mạch can thiệp để chữa trị những bệnh nhân nặng tại cơ sở mà bệnh nhân đó không thể chuyển lên tuyến trên được”.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác của Bộ Y tế với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai mới đây, đại diện Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành tim mạch cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khó có thể hoàn thành Đề án bệnh viện vệ tinh vào năm 2020.

Thạc sĩ, BS Trương Quang Việt – Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trao đổi thêm: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tham gia vào đề án bệnh viện vệ tinh hơi muộn, thứ hai là khi đưa cán bộ đi học xong thì việc trang bị kỹ thuật cũng bị chậm, phê duyệt chậm, cung cấp chậm chính vì vậy cho nên là dự án cũng bị chậm lại. Vì vậy trước mắt là cần gia hạn dự án Bệnh viện vệ tinh cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai”.

Vì tham gia vào Ðề án bệnh viện vệ tinh ở giai đoạn 2, chậm hơn so với một số tỉnh thành khác nên một trong những khó khăn nhất hiện nay của Khoa Tim mạch và Khoa Ung bướu – Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai đó là thiếu nguồn nhân lực và trang trang thiết bị y tế.

Thạc sỹ, BSCKII Trần Kế Toán – Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nói: “Bây giờ xây dựng khoa tim mạch mới, cán bộ trẻ chưa được đào tạo về chuyên khoa đó là khó khăn lớn nhất về nguồn nhân lực. Khó khăn thứ 2 là về trang thiết bị, để thực hiện các gói kỹ thuật theo bệnh viện vệ tinh thì phải có máy chụp mạch. Hiện nay đã có rất nhiều chương trình tìm kiếm để mua nhưng tỉnh cũng chưa cấp được”.

 Trong thời gian chờ đợi được tỉnh cấp kinh phí đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công việc chuyên môn thì Bệnh viện Đa Khoa tỉnh vẫn chủ động đưa đội ngũ bác sĩ trẻ ra Bệnh viện Tim Hà nội học theo các gói kỹ thuật theo từng giai đoạn của Đề án, đồng thời đề xuất với Bộ Y tế gia hạn cho đơn vị hoàn thành Đề án bệnh viện vệ tinh đến năm 2022 thay vì bệnh viện phải hoàn thành Đề án này vào năm 2020./.

Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 287

Trả lời