Gia Lai – Gắn đa dạng sinh học với phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật 23/5/2017, 08:05:12

Gia Lai được đánh giá là một trong những tỉnh của Tây Nguyên có sự đa dạng sinh học phong phú với nhiều hệ động, thực vật và vi sinh vật quý hiếm thuộc diện Sách đỏ của Thế giới và Việt Nam. Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang tận dụng, khai thác những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng về đa dạng sinh học để đẩy mạnh phát triển sinh thái một cách bền vững. Nhân ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2017 với chủ đề “Đa dạng sinh học và du lịch bền vững”, mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự sau.

Gia Lai có diện tích rừng tự nhiên trên 1.550.000 ha và là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên. Trong đó phải kể đến 2 khu rừng đặc dụng lớn là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có sự đa dạng về sinh học với các hệ động, thực vật và vi sinh vật rất phong phú, có hàng trăm loài nằm trong Sách đỏ của Thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, dưới tác động của đời sống xã hội đã làm ảnh hướng rất lớn đến sự đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Nhiều loại, động, thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Gia Lai, người chuyên nghiên cứu về lâm nghiệp thì để bào tổn và phát huy được sự đa dạng về sinh học của Gia Lai thì vấn đề đầu tiên là đối với các chính sách đã đặt ra thì đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện nghiêm túc; đồng thời là phải bảo vệ nghiêm ngặt và có cơ chế đặc thù để nhân giống đối với những loại có nguy cơ và đang bị đe dọa tuyệt chủng. Và muốn làm được điều này thì phải huy động được sự tham gia của cả cộng đồng thì mới có thể bảo tồn, phát huy được sự đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh để khai thác và phát triển du lịch sinh thái.

PGS.TS Nguyễn Danh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong việc bảo tồn và phát huy sự đa dạng về sinh học thì không chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước mà cần phải huy động cho được sự tham gia của cả cộng đồng, của người dân vào việc bảo vệ đa dạng sinh học đó; ví dụ như việc tổ chức du lịch sinh thái cho một khu vực nào đó, Vườn Quốc gia hay Khu Bảo tồn hoặc là tổ chức home stay (loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân) mà ở các tỉnh khác họ đã tổ chức nhiều rồi; tức là du lịch ở đây không chỉ mang tính sinh thái nữa mà còn mang tính nhân văn nữa; và qua đó thì những người mà mình đưa vào cộng đồng thì họ mới ý thức hơn; rồi mình giới thiệu được những đặc thù, đặc sản của mình; đồng thời quảng bá, giáo dục mọi người đối với việc tôn trọng và sống hài hòa với thiên nhiên”.

Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và của địa phương, vừa qua, tỉnh Gia Lai đã thành lập nhiều Đoàn tổ chức đi khảo sát, đánh giá tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch về văn hóa, lịch sử. Theo nghiên cứu của các nhà khoa khọc trong và ngoài nước thì ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng – một trong hai khu rừng đặc dụng lớn của tỉnh hội tụ đủ các tiêu chí của 1 di sản thiên nhiên, địa chất và môi trường. Vì vậy các tổ chức chuyên ngành quốc tế và giới khoa học trong và ngoài nước đã và đang nghiên cứu, đưa Kon Chư Răng vào hệ thống khu vực sinh quyển thế giới. Và đây là nền tảng để Gia Lai phát triển du lịch sinh thái ở khu vực phía Đông của tỉnh.

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Ta đang được thừa hưởng một di sản địa chất tầm Quốc tế và cạnh di sản Quốc tế là ta có một môi trường trong lành với hệ thống thác nước theo như thống kê chưa đầy đủ là 12 thác mà có thể khai thác du lịch. Bên cạnh đó thì ta có An Khê có di sản văn hóa, di sản khảo cổ học; một vùng có thể nói là … nếu như tỉnh Quảng Nam họ có di sản Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn là những di sản lớn thì Gia Lai trong tương lai nếu chúng ta bảo vệ thành công thì chúng ta cũng sẽ có những di sản rất là độc đáo, khác biệt. Và chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh trong Quy hoạch phát triển du lịch thì sẽ bổ sung vào; và cái vùng này là vùng phải bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường để phục vụ cho lâu dài và phát triển bền vững”.

Với sự đa dạng sinh học trên địa bàn, Gia Lai cần có nhiều hơn nữa những chính sách, cơ chế đặc thù để bảo tồn, phát huy tốt những tiềm năng của đa dạng sinh học và có hướng khai thác một cách bền vững gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.

Đức Hải, Duy Linh


Lượt xem: 905

Trả lời