Gia Lai đẩy mạnh hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ

Cập nhật 01/11/2019, 08:11:26

Tình trạng hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, tăng cường quản lý sở hữu trí tuệ là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đối với vấn đề này, thời gian qua, ngành KH&CN tỉnh Gia Lai đã tích cực quan tâm bằng nhiều hoạt động thiết thực. Nhờ đó, trong thời gian gần đây, nhất là trong năm 2019, số lượng nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã tăng lên đáng kể.

Đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2011, đến nay, cà phê Classic đã trở thành một trong những thương hiệu cà phê có tiếng không chỉ ở tỉnh Gia Lai mà trong cả nước, thậm chí vươn ra thị trường quốc tế. Thành công này không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm cà phê mà còn là cả quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Điều này càng quan trọng hơn khi tại tỉnh Gia Lai nói riêng, trong cả nước nói chung ngày càng xuất hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sản phẩm cà phê.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm – Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê Classic cho biết: “Đối với doanh nghiệp việc bảo hộ thương hiệu là một phần rất quan trọng, khi mà mình xây dựng doanh nghiệp vì mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ là thị trường trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Bất cứ một đơn vị nào khi thương hiệu phát triển mạnh đều phải đối mặt với vấn đề ăn cắp bản quyền, nhái sản phẩm và rất nhiều thứ cho nên đối với doanh nghiệp cà phê Classic hay nhiều doanh nghiệp thành danh khác thì vấn đề bảo hộ thương hiệu rất quan trọng nó là một phần vô hình nhưng thực tế là tài sản rất là lớn, tài sản hữu hình. Sau này khi thương hiệu phát triển mình có thể nhượng quyền thương hiệu để mang lại nguồn thu cho công ty”.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ trí tuệ đối với thương hiệu, sản phẩm của mình nên việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm đang được các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng và coi như là điều kiện bắt buộc ngay từ khi thành lập. Đây cũng là điều được ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện để các cá nhân, tập thể có thể thuận lợi làm thủ tục yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Mưa cũng nói: “Tôi đã đăng ký nhãn hiệu cà phê Purity. Quá trình đăng ký cũng được bên Sở KH&CN hỗ trợ rất nhiều. Nhãn hiệu Ru là một sự phát triển lớn của cà phê mưa. Nó tạo được điểm nhấn công ty cà phê Mưa có một sản phẩm cà phê mới dành cho người tiêu dùng”.

Ông Thái Vinh Hiếu, Nhãn hiệu Cofee 24- Cửa hàng Đức Hưng, Gia Lai cho biết: “Việc có một thương hiệu riêng sẽ khẳng định mình giữa một nơi có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng ở đất Pleiku này. Bên cạnh đó cũng góp phần quảng bá cà phê của mình đến với các tỉnh, thành khác cũng như nước ngoài để người ta biết đến Pleiku cũng như cà phê ở Pleiku”.

Tỉnh Gia Lai có khoảng gần 5.000 doanh nghiệp, chưa kể các cơ sở kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 700 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu. Trước thực tế đó, thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về SHTT đến đông đảo mọi tầng lớp. Đặc biệt, từ 2015 đến nay, đã tổ chức 23 lớp tập huấn về SHTT cho đơn vị, HTX, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, ngành KH&CN đã hướng dẫn hơn 1.000 cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, hơn 20 cơ sở đăng ký nhãn hiệu tập thể, 2 nhãn hiệu chứng nhận. Đặc biệt việc thành lập và đưa Điểm tư vấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu vào hoạt động cũng thể hiện quyết tâm của ngành trong việc đẩy mạnh công hoạt động về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương cũng được ngành chú trọng thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai trao đổi: “Trong năm 2019 đã làm được nhiều việc quan trọng sau: hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho rau An Khê, Giấy chứng nhận cho Gạo Phú Thiện đã được Cục. Thứ 2 cũng làm được hồ sơ, là điểm nổi bật có tính chất đột phá trong năm nay là Khoai lang Lệ Cần và Phở khô Gia Lai. Chúng tôi cũng tiếp tục làm 2 nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý là Chanh dây và cà phê Gia Lai.  Thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục làm thêm 3 nhãn hiệu về chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu về chỉ dẫn địa lý là cao nhất trong các nhãn hiệu về tài sản trí tuệ. Và cũng thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016, đồng thời của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Gia Lai đến năm 2025 là xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đến năm 2025 nếu làm tốt thì được khoảng 5 nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Các nhãn hiệu sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp, HTX, các cá nhân xây dựng được quyền, chứng nhận với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm của mình và bảo vệ tài sản vô hình của mình để đứng vững trong điều kiện hội nhập quốc tế”.

Được chứng nhận và bảo hộ về sản phẩm, nhãn hiệu không chỉ tạo cơ sở pháp lý vững chắc mà còn là điều kiện tiên quyết để các cá nhân, doanh nghiệp chuyên tâm phát triển thương hiệu, sản phẩm của mình và tránh được nhiều rắc rối không đáng có liên quan đến bản quyền, đạo nhái sản phẩm trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của ngành KH&CN, các cá nhân, doanh nghiệp, HTX cũng cần nâng cao ý thức và chủ động hơn đối với việc xác lập sở hữu trí tuệ để bảo vệ và phát triển nhãn hiệu– tài sản vô hình của mình./.

Ngô Thanh, Xuân Huy


Lượt xem: 133

Trả lời