Gia Lai đẩy mạnh công tác BHYT theo Chỉ thị số 38

Cập nhật 21/4/2024, 15:04:55

Qua 15 năm triển khai Chỉ thị số 38 ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38, năm 2009, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia BHYT chỉ đạt  khoảng 69% dân số thì đến năm 2023 đã đạt 91% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân. Kết quả đáng ghi nhận nhất đó là việc triển khai công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách BHYT ngày càng chuyển biến tích cực.

Ông Trần Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết: “Kết quả đạt được trên địa bàn tỉnh Gia Lai đó là nhận thức của các cấp uỷ chính quyền địa phương và người dân về chính sách BHYT được tăng lên. Thứ hai nữa là quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo, người dân được tiếp cận với chính sách BHYT ngay tại cơ sở, thứ 3 nữa là tỷ lệ bao phủ BHYT được tăng lên.”

Nhờ công tác tuyên truyền chính sách về BHYT đến người dân được thường xuyên và đổi mới nên tần suất khám chữa bệnh của người tham gia BHYT cũng được tăng lên. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh Gia Lai có khoảng trên 650 ngàn lượt người đi khám chữa bệnh BHYT trong một năm thì đến năm 2023 đã có khoảng trên 1,3 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT/năm. Điều này cho thấy người dân ngày càng ý thức, quan tâm hơn đến việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

 Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Bệnh nhân khám bệnh tại Trung tâm Y tế Y tế TP. Pleiku bày tỏ: “Thực ra có thẻ BHYT là rất tốt, tại vì BHYT nếu chỉ đi khám bệnh hàng tháng thì đơn giản nhưng có những căn bệnh ngặt nghèo lúc đó mới thấy được giá trị của BHYT.”

Ông Mík – Làng Nha Prông, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku nói: “Bảo hiểm mang lại lợi ích cho người dân, bà con để có tiền mua BHYT thì khó quá nhưng nếu mình đau ốm không có bảo hiểm y tế rất là khó nhưng có bảo hiểm thì vào viện nhà nước đóng 80 còn mình 20%.”

Mặc dù đã đạt được một số kết quả về công tác BHYT theo Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư, song thực tế đối với một tỉnh miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn như Gia Lai, cộng với tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm trên 46% thì việc phát triển BHYT tại địa phương còn nhiều khó khăn.

Ông Trần Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai trao đổi: “Tuy nhiên qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 công tác thực chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn nhất định, đó là người đồng bào DTTS tham gia BHYT không thật sự bền vững. Một số người đồng bào DTTS còn trông chờ ỉ lại chính sách hỗ trợ đóng BHYT của nhà nước mà chưa tham gia BHYT hộ gia đình. Một mặt nữa chính sách BHYT cho người đồng bào DTTS cũng bị tác động rất lớn bởi cơ chế, chính sách sau khi Quyết định 861 của Chính phủ được ban hành thì người đồng bào DTTS sống ở xã khu vực 3, khu vực 2, thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi danh sách được phê duyệt theo Quyết định 861 thôi hưởng chính sách,…mặc dù chất lượng khám chữa bệnh được tăng lên tuy nhiên cũng chưa đáp ứng được sự mong mỏi của người dân tham gia BHYT.”

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 38 năm 2009 của Ban Bí thư và tiến tới thực hiện BHYT toàn dân, ngành BHXH tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là các chính sách mới về hỗ trợ và quyền lợi được thụ hưởng để giúp người dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa nhân văn về chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, từ đó tự nguyện tham gia.

Lệ Xuân – Duy Tín


Lượt xem: 3

Trả lời