Gia Lai 45 năm sau giải phóng: Phóng sự 1: Gia Lai với những đột phá về phát triển kinh tế – xã hội

Cập nhật 30/4/2020, 08:04:15

Từ một tỉnh miền núi nhiều khó khăn, 45 năm sau ngày giải phóng, Gia Lai đã có những bước tiến vững chắc, từng bước vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong khu vực. Để có được như ngày hôm nay, Gia Lai luôn nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn của Trung ương, Chính phủ, từ đó Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, nêu cao ý chí quyết tâm chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh.
 Chúng ta đang sống trong không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử và năm nay tròn 45 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. 45 năm sau ngày giải phóng, Gia Lai hôm nay đã có nhiều sự đổi thay rất đáng tự hào, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng cao….
Những đổi thay ấy như thế nào, mời quý vị và các bạn cùng cảm nhận qua hành trình trở lại các địa phương trong những ngày tháng 4 lịch sử của nhóm phóng viên Đài PT – TH Gia Lai.

    

Với bạt ngàn cà phê, cao su, hồ tiêu….đây là những loại cây trồng thuộc thế mạnh của tỉnh. Gia Lai đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư vươn lên mạnh mẽ.Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện. Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 36,44%, công nghiệp – xây dựng chiếm 28,95%, dịch vụ chiếm 34,61%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong khu vực. Giai đoạn 2015 – 2020 đạt 7,79%, vượt Nghị quyết đề ra, tăng cao hơn so với tốc độ tăng bình quân của cả nước. GRDP đến hết năm 2020 dự kiến đạt hơn 81.655 tỷ đồng, gấp 1,66 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 54,4 triệu đồng, tăng 1,55 lần so với năm 2015.

Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 630 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, tăng bình quân hằng năm 18,55%. Tổng thu ngân sách đạt từ 5.000 tỷ đồng trở lên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Đánh giá về sự phát triển của tỉnh Gia Lai trong những năm qua: “Gia lai là trung tâm tam giác phát triển của Việt Nam– Lào – Myanma, đầu tư vào gia Lai là đầu tư vào 3 nước. Đặc biệt tỉnh đã hình thành khu công nghiệp, khu kinh tế trong dự kiến và trong thực tế. Đã có một số nhân tố mới phát triển , yếu tố mới thành công trên vùng đất này phải khẳng định và được nhân ra. Điều đặc biệt là còn một tiềm năng là quyết tâm đổi mới sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.”

45 năm sau ngày giải phóng, đã qua rồi những ngày tháng khó khăn, vất vả mà người dân phải gánh chịu bởi hậu quả chiến tranh để lại, thay vào đó là những công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội được nhà nước quan tâm đầu tư đã mang đến cho người dân cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh giảm còn 7,04%.

Đồng chí Ngô Thành, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nói: “Đời sống của nhân dân được cải thiện rất lớn, thu nhập tăng lên gấp mấy chục lần so với hồi trước. Nhân dân chẳng những phát triển về tất cả các mặt, về công nghiệp, về thương mại, về dịch vụ và kể cả ở vùng nông thôn thì nông nghiệp, nhất là nông nghiệp vận dụng công nghệ mới, năng suất cao thì cũng đã đạt được những thành quả rất lớn”.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước, tuy là tỉnh miền núi nghèo, song Gia Lai thực hiện thành công là nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân, ủng hộ tích cực để có thêm nguồn lực thực hiện.Gia Lai đã huy động được trên 15.153 tỷ đồng để thực hiện xây dựng nông thôn mới.Đến nay, thành phố Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thị xã An Khê có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Ayun Pa có 4/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020 Gia Lai phấn đấu có thêm 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Kbang và Đak Pơ, nâng tổng số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới là 5 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 11 xã so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và 83 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Đi lên từ đống tro tàn, thành phố Pleiku đã vươn mình trở thành đô thị có tầm vóc trong khu vực Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng của Pleiku cũng nằm trong tốp tăng trưởng cao nhất của tỉnh, trên dưới 10%/năm, tỷ lệ hộ đói cũng còn trên dưới 1% và Pleiku là địa phương hoàn thành đầu tiên chương trình xây dựng nông thôn mới cho cả địa bàn và đã được Chính phủ công nhận. Bộ mặt đô thị và nông thôn ở Pleiku đã có một bước phát triển rất lớn và sự đóng góp của Pleiku cho sự phát triển chung của toàn tỉnh cũng rất quan trọng”.

Ông Hồ Văn , Thôn 3, xã Trà Đa, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: Những năm gần  đây xã Trà Đa phát triển nhiều. Giao thông – văn hóa – kinh tế phát triển đồng bộ, nhất là thời gian thực hiện nông thôn mới, xã được nhà nước đầu tư làm các con đường ngõ hẻm vào khu dân cư… Trước đây bà con còn than phiền thế này, thế kia, đi lại khó khăn, kinh tế eo hẹp…bây giờ thì đồng bộ, bà con rất phấn khởi.

Ông Đinh Jom, Già làng Stơr, xã Tơ Tung, Kbang cũng nói: “So với trước kia thì giờ sướng lắm rồi, bây giờ đời sống nhân dân ngày càng vươn lên. Bây giờ làng Stơr đường thoáng hết rồi, muối Nhà nước cũng cho. Buôn thì từ An Khê lên bán. Nghèo thì khỏi nghèo rồi”.

Hồng Uyên – Đoàn Bình – R’Piên – Thanh Sáng

            

 

 


Lượt xem: 41

Trả lời