Già Ksor Hyuih giữ gìn cồng chiêng để bảo tồn văn hóa dân tộc

Cập nhật 16/4/2019, 08:04:45

Không chỉ là già làng gương mẫu, đi đầu ở địa phương, là chỗ dựa của bà con dân làng; mà với già Ksor Hyuih ở làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP.Pleiku, trăn trở ở cái tuổi xế chiều của một đời người như ông đó là việc bảo tồn văn hóa của dân tộc. Bởi với ông, đó là cội nguồn, là niềm tự hào mà mỗi người con Jrai như ông cần phải làm để gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên nói riêng trong cộng đồng văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.

Cũng lâu lắm rồi, già Ksor Hyuih mới có thời gian rảnh để lau chùi lại bộ chiêng 14 chiếc mà ông xem như tài sản quý giá của cuộc đời mình, quyết tâm gìn giữ từ những ngày sau giải phóng cho đến tận hôm nay. Với ai không biết nhưng với bản thân mình, già Hyuih luôn suy nghĩ rằng dù có thế nào thì bộ chiêng này sẽ mãi theo ông đến hết cuộc đời và là tài sản mà ông để lại cho con cháu mai sau.

Già làng Ksor Hyuih – Làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP.Pleiku, Gia Lai chia sẻ: “Cồng chiêng thì rất là quý, bản sắc văn hóa là cái này đây. Tây Nguyên không có cồng chiêng là không vui đâu. Cái này hồi mình đang  thanh niên mình mua bằng con bò mà không biết bằng bao nhiêu tiền bây giờ. Bây giờ người ta hỏi 100 triệu mình không bán, không bán đâu, rất là quý. Cái này với người khác, thời bao cấp người ta khó khăn quá, đói quá người ta bán đi. Cái này bằng đồng mà, nó bán lấy tiền để đi mua gạo. Bây giờ gia đình mình, mình cảm ơn trời đã cho mình có ăn đầy đủ là mình không bán cái này”.

Với bà con DTTS ở Tây Nguyên nói chung, trong đó có đồng bào Jrai thì cồng chiêng là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, hội. Già Hyuih cho biết, ở làng Brok Ngol hiện nay chỉ còn lưu giữ được 2 bộ chiêng, một bộ của gia đình ông và bộ còn lại của một hộ dân khác trong làng. Giờ đây mỗi khi làng có tổ chức lễ, hội gì đó, ông đều sẵn lòng cho mượn. Trải qua bao nhiêu thăng trầm cùng thời gian, bộ chiêng ngày nào vẫn được già Hyuih gìn giữ cẩn thận; thế nhưng tận trong sâu thẳm lòng ông lúc nào cũng luôn trăn trở về sự mai một của văn hóa truyền thống.

“Thanh niên ở đây nếu mà nó ham mê cồng chiêng là mình tập cho nó cũng được chứ, có nhà rông rồi, có nhà văn hóa rồi. Nhưng mà ở đây bây giờ nếp sống đổi mới, thay đổi rồi; bây giờ thì có người thích, có người  không thích. Mình ước mơ và mình tính bây giờ nếu có dịp trong làng có học thì mình dạy, tập lại để giữ bản sắc dân tộc của mình, không thể bỏ được”, Già Ksor Hyuih tâm sự.

Thời gian cứ trôi và trong dòng chảy chung của văn hóa truyền thống hôm nay, những người con của núi rừng Tây Nguyên yêu văn hóa, vì văn hóa như già Ksor Hyuih sẽ là nhân tố tích cực tiếp lửa thêm cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc cũng như giá trị văn hóa của dân tộc; trong đó có cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng./.

 Mỹ Tiến, Minh Vũ


Lượt xem: 91

Trả lời