Đưa làng bước qua hủ tục

Cập nhật 12/7/2017, 08:07:41

Đã nhiều năm trôi qua, thế nhưng ở Plei Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, người ta vẫn còn nhắc đến câu chuyện của nguyên trưởng thôn Rơ Mah Djel, người đã mạnh dạn làm gương để đưa dân làng bước qua hủ tục của người Jrai, đó là di dời mồ mả của cha ông trong khuôn viên trường học, đồng thời hiến đất để xây nên ngôi trường khang trang, sạch đẹp, con cháu trong làng có chỗ học hành tử tế. 

Trong khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện trước đây có hơn 120 hài cốt trong 22 nhà mồ là người thân của bà con trong làng Plei Trang. Những nhà mồ  nằm xen kẽ các phòng học nên gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Để di dời nó là thử thách vô cùng khó khăn đối với chính quyền xã Ia Piar, vì người J’Rai xem khu nhà mồ là vùng đất “thiêng”, là người cai trị giúp đỡ bà con, nếu di dời sẽ phạm phải tội tày đình. Và có lẽ, những ngôi nhà mồ đó giờ đây vẫn còn nằm trong khuôn viên của trường, nếu như không có sự vận động kiên trì, bền bỉ của già R’mah Djel, người trước đây là trưởng thôn Plei Trang.

Thầy Nguyễn Văn Linh, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trãi, xã Ia Piar, Phú Thiện nói:  “Già Djel có công rất lớn trong việc xây dựng ngôi trường này. Ngoài việc nỗ lực vận động bà con trong làng di dời mồ mả ra một nơi xa với khuôn viên trường thì già còn là người đi tiên phong hiến gần 2000m đất để xây trường. Sau khi già hiến đất thì nhiều hộ dân quanh trường cũng đã làm theo. Nay thì khuôn viên của trường đã rộng rãi, thoáng mát…”

Ông R’mah Djel, Nguyên trưởng thôn Plei Trang, xã Ia Piar, Phú Thiện cho biết:  “Xuất phát từ việc con cháu nó đi học xa, nguy hiểm vì sợ tai nạn giao thông, tôi đã mạnh dạn đề xuất bà con trong làng di dời mồ mà, đồng thời hiến đất để xây trường. Thời gian đi vận động rất khó khăn. Cũng có người ghét tôi, ném dao vào nhà nữa, nhưng tôi vẫn kiên trì. Giờ thì bà con hiểu rồi, không ai phản đối nữa…”

Không những giúp dân làng bước qua hủ tục, già R’mah Djel còn dành nhiều thời gian để vận động bà con trong làng thay đổi tập tục canh tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, giờ đây nhiều hộ ở Plei Trang đã biết cách vươn lên thoát nghèo, có của ăn, của để, và đủ khả năng về tài chính để đầu tư cho việc học hành của con cái.

Ông Siu Thơi, Làng Trang, xã Ia Piar, Phú Thiện cho biết: “Ông Djel không chỉ vận động chúng tôi di dời mồ mả để con cháu yên tâm học hành, mà ông còn vận động chúng tôi thay đổi cách thức làm ăn, cũng như cách sinh hoạt, ăn uống như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình…”

Giờ đây, khi đã bước vào tuổi xế chiều, niềm vui của già Djel là nhìn thấy những đứa trẻ trong làng ngày càng chăm ngoan và được học hành tử tế trên ngôi trường được xây nên từ tâm huyết và sự kiên trì, khi đã mạnh dạn đưa người dân trong làng bước qua những hủ tục./.

Quốc Linh, Phan Nguyên

 


Lượt xem: 55

Trả lời