Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Không để mất vốn, đồng thời phải có vốn để triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt

Cập nhật 06/6/2023, 17:06:59

“Không để mất vốn trung ương đã phân bổ cho tỉnh, đồng thời phải có nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt thực hiện từ nguồn thu thuế sử dụng đất và cho thuê đất”- Đó là nội dung chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh năm 2023 nhằm làm rõ những vướng mắc đối với các dự án đầu tư công chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2023 được tổ chức vào sáng ngày 06/06. Đồng chủ trì phiên giải trình có các đồng chí: Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự phiên giải trình có các đồng chí: Trương Hải Long- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố.

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Mục đích của phiên giải trình lần này là tập trung làm rõ những nguyên nhân và trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến việc chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công từ năm 2021 đến nay. Đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những khó khăn hạn chế, bất cập để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại phiên giải trình, năm 2021 giá trị giải ngân kế hoạch vốn của Gia Lai là trên 3 nghìn tỷ đồng, đạt 85,05% kế hoạch vốn đã giao; năm 2022, giá trị giải ngân kế hoạch vốn là trên 2 nghìn 500 tỷ đồng, đạt 75,66% kế hoạch vốn đã giao. Riêng trong năm 2023, tổng nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ giao là trên 4 nghìn 461 tỷ đồng; tính đến ngày 26/5/2023 đã phân bổ 4.420,190 tỷ đồng. Tính đến ngày 26/5/2023 giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 là 387,179 tỷ đồng, đạt 9,61% kế hoạch vốn đã giao. Ngoài ra, tình hình giải ngân 3 chương trình MTQG cũng chậm so với kế hoạch, năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư 3 chương trình là 826,4 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được hơn 25 tỷ đồng, đạt 3,03% kế hoạch. Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh chậm là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau như: về cơ chế chính sách còn vướng về quy định về đơn vị lập hồ sơ đề xuất, quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, vấn đề về giấy phép môi trường. Cùng với đó việc hụt thu nguồn vốn thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất năm 2022 và 2023 làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán; đơn giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương chưa được triển khai quyết liệt; việc triển khai thủ tục đầu tư của chủ đầu tư và một số cơ quan đơn vị liên quan chậm; năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tại phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh và đại diện các Ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung, giải trình làm rõ trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm; chỉ ra vướng mắc, khó khăn cụ thể để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ. Nhất là đối với các dự án đang bị chậm tiến độ như: 04 dự án thuộc chương trình phục hồi KT-XH sau đại dịch Covid-19 gồm: Dự án Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước; Dự án Đầu tư xây mới và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Gia Lai; Dự án Trung tâm y tế huyện Đức Cơ và Dự án Nâng cấp 59 trạm y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cùng với đó là các dự án thi tuyển kiến trúc; các dự án trọng điểm; các dự án ổn định dân di cư tự do và các dự án thuộc 3 Chương trình MTQG.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Phát biểu kết luận phiên giải trình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên ghi nhận sự cầu thị, nghiêm túc của lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành và sự quan tâm tham gia của các địa phương trong việc chuẩn bị báo cáo tại phiên giải trình và tham gia giải trình. Đồng thời chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, thách thức đặt ra, cần phải có quyết tâm chính trị cao, giải pháp đột phá để khắc phục và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu: “Tôi đề nghị làm thế nào để giải ngân đạt tốt. Với 2 ý nghĩa: Một là không để mất vốn, vốn Trung ương đã bố trí; phải có vốn để triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt từ nguồn thu sử dụng đất. Phải thực hiện được hai vấn đề này/ UBND tỉnh phải nêu giải pháp hết sức cụ thể để giải ngân và tổ chức triển khai thực hiện đạt được kết quả tốt nhất. Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của UBND tỉnh, các chủ đầu tư và các sở, ngành địa phương, trách nhiệm thường xuyên, liên tục. Thứ hai, đã xác định nguyên nhân thì cần có giải pháp cụ thể đối với từng chương trình, từng dự án. Mỗi cái chậm đều có nguyên nhân khác nhau nên cần có giải pháp cụ thể.”

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục rà soát các quy định về đầu tư công, có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật có liên quan đến đầu tư công theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục; có kiến nghị xử lý vi phạm đối với một số trường hợp cụ thể.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Những nguyên nhân chủ quan cần có giải pháp triệt để nhằm tháo gỡ, những nguyên nhân khách quan, nhất là liên quan đến cơ chế, chính sách thì cần có đề xuất kiến nghị với cấp trên một cách quyết liệt, đeo bám để giải quyết cho bằng được/ Những khó khăn bất cập, vướng mắc do nhận thức khác nhau thì phải bàn cho kỹ, kể cả đặt vấn đề tham khảo, tư vấn, tham vấn, khi có phương án tốt nhất rồi thì cơ quan có thẩm quyền cao nhất phải có trách nhiệm quyết định. Chúng ta phải đặt câu hỏi cùng một cơ chế chính sách, mà các địa phương khác làm được mà chúng ta không làm được.”

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong rằng mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân theo vị trí trách nhiệm của mình trong quản lý sẽ tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh sẽ tiếp tục giám sát những nội dung đã được giải trình nhằm đáp ứng yêu cầu của cử tri và sự phát triển của tỉnh.

Ngọc Hà – Huy Toàn


Lượt xem: 6

Trả lời