Đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán nuôi nhốt gia súc

Cập nhật 24/5/2018, 20:05:47

Những năm gần đây, người đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah đã có nhiều thay đổi về tập quán nuôi nhốt gia súc. Chuồng trại được bà con di dời cách xa nơi ở góp phần bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm sức khỏe của người dân.

Nếu như trước đây, trâu, bò được bà con người đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah nuôi nhốt ngay dưới gầm nhà sàn thì giờ đây điều đó đã được thay đổi. Chuồng trại được bà con xây dựng cách xa nhà ở. Để có được điều đó, các ban, ngành, đoàn thể của xã phối hợp tuyên truyền, vận động di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, nhờ đó người dân đã thay đổi tập quán của mình.

Chị Rơ Chăm Phai, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah nói:  “Hồi xưa, bà con sợ trâu bò mất nhốt lại dưới sàn. Bữa nay mất vệ sinh, người ta làm chuồng trại ở ngoài. Cán bộ đi tuyên truyền cho bà con hiểu, làm chuồng trại xa nhà một tí cho sạch sẽ hơn, không bệnh tật cho mình.”

Trên địa bàn xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah hiện có khoảng 760 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 82% dân số toàn xã. Với suy nghĩ của bà con là nuôi nhốt xa nhà dễ bị mất trâu bò cùng với đó diện tích vườn nhỏ nên nhốt dưới gầm cho tiện. Tuy nhiên, trên thực tế hệ lụy từ đó lại nặng nề hơn bởi việc nuôi nhốt bò dưới gầm nhà sàn sẽ gây mùi hôi thối, mất vệ sinh gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Bên cạnh đó, mỗi đợt dịch bệnh trên đàn gia súc cũng khó kiểm soát. Chính vì vậy, để bà con thay đổi được đó là cả một quá trình. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, hằng năm địa phương đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển để giúp bà con xây dựng chuồng trại, ổn định chăn nuôi.

Bà Rơ Chăm Anhe, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah cũng nói: “Trước mình không biết nên nhốt dưới nhà sàn nhưng giờ hiểu nhốt dưới nhà sàn hôi thối, ô nhiễm nên mình đã chuyển ra nhốt xa nhà. Giờ sạch sẽ hơn nhiều.”

Ông Phạm Minh Châu, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah cho biết: “Phong tục của người địa phương thường là phía dưới xây dựng phía dưới làm chuồng chăn nhốt gia súc. Đến nay qua quá trình vận động, qua ý thức của người dân càng ngày được nâng cao. Đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người dân đã tách nơi ở và chăn nuôi gia súc ra riêng và điều kiện thúc đẩy chăn nuôi.”

Từ những thay đổi của người dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, gia súc có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Nhờ thế, số lượng đàn cũng tăng lên giúp người dân có thu nhập ổn định. Cùng với đó, những suy nghĩ tích cực của bà con đã góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Thúy Diện, Minh  Trung


Lượt xem: 109

Trả lời