Đổi thay vùng căn cứ cách mạng Kông Chro

Cập nhật 14/3/2017, 13:03:22

     42 năm sau ngày giải phóng, diện mạo vùng căn cứ cách mạng Kông Chro ( trước đây gọi là huyện 7) giờ đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân đã từng bước được nâng cao. Có được kết quả này, ngoài sự đầu tư kinh phí từ Trung ương và của tỉnh thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện luôn đồng sức đồng lòng, chung tay khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng quê hương ngày một no ấm.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiện là bước đi mang tính then chốt, góp phần giúp đồng bào các dân tộc tại Kông Chro có đời sống ngày một khấm khá, xua đi cái đói cái nghèo tồn tại bấy lâu.

Ngoài những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao như lúa nước, mỳ, bắp hiện Kông Chro đã liên kết với Nhà máy đường An Khê định hướng bà con tập trung phát triển cây mía và coi đây là cây trồng giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Phan Văn Trung – Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Hiện tại trên địa bàn có khoảng 8.000ha diện tích mía, trong đó có nhiều diện tích là cánh đồng mía mẫu lớn. Đặc biệt  trong đồng bào dân tộc thiểu số thì đã biết phát triển cây mía và tính thu nhập bình quân thì mỗi năm như thế thì cũng tận dụng thu được 25 triệu đồng/1ha, từ đó từng bước giúp cho bà con thoát nghèo”.

Khi đã định hướng được cây trồng chủ lực giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, những năm qua, huyện Kông Chro còn được Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và lồng ghép thực hiện vào các chương trình mục tiêu quốc gia để chăm lo, phát triển, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn huyện đã có gần 1.400 hộ thoát nghèo.

Đặc biệt, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn thuộc một số chương trình khác, năm 2010 UBND huyện Kông Chro đã đầu tư xây dựng lại tuyến đường nối liền thị trấn Kông Chro qua các xã: Ya Ma, Đăk Kơ Ning, Sơ Ró, Đăk Sông, Đăk Pling, với tổng chiều dài gần 40km, tổng kinh phí 106 tỷ đồng. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016 đã góp phần kết nối giao thương, mở ra cơ hội giúp các địa phương phát triển kinh tế.

Ông Đinh Ngui – xã Ya Ma, huyện Kông Chro cho biết: “Giờ con đường này được làm lại nhân dân rất phấn khởi, làm ăn rất thuận lợi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường này”.

42 năm sau ngày giải phóng, diện mạo nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc huyện Kông Chro đang từng ngày khởi sắc. Và trong không khí phấn khởi kỷ niệm 42 năm giải phóng tỉnh nhà ( 17/3/1975-17/3/20170), nhằm tri ân sự đóng góp của các gia đình chính sách, Kông Chro đang nỗ lực xây dựng  để bàn giao hơn 100 căn nhà cho người có công với cách mạng ngay trong năm 2017 này.

Ông Nguyễn Tường Khang – Chủ tịch UBND xã Chư Krei, Kông Chro nói về vấn đề này: “Có những hộ xây dựng trên 60m2, trị giá từ 150 đến 170 triệu đồng là nhà người có công với cách mạng. Ngoài tiền nhà nước hỗ trợ là 50 triệu thì bà con hỗ trợ ngày công cũng như mỗi hộ tự quyên góp thêm tiền. Đến nay tất cả 8 cái đang làm hiện nay xong được 2 cái còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 3 này”.

“Đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số  trong những năm qua đã có sự cải thiện đáng kể, kể cả về tinh thần cũng như vật chất”, ông  Phan Văn Trung khẳng định.

Thành quả mà Kông Chro đạt được sau 42 năm giải phóng sẽ là tiền đề quan trọng để  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương Kông Chro ngày một khởi sắc, vững vàng đi lên trên con đường hội nhập cùng đất nước…./.

Ngọc Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 104

Trả lời