Độc đáo làng đan lát Ngâm Thung

Cập nhật 10/5/2016, 15:05:37

Từ khi còn là những đứa trẻ lên 10, nhiều cậu bé đã biết cầm dao vót tre, đan nứa để cùng với ông bà, bố mẹ đan lát, tạo ra những vật dụng sinh hoạt trong gia đình như: Cái rổ, chiếc gùi trông thật xinh xắn. Đó là những hình ảnh ở một số làng nghề truyền thống của bà con  dân tộc thiểu số ở vùng đất Tây Nguyên này. Ngày nay, một số nghề truyền thống đã bị mai một, nhưng một số nơi vẫn còn giữ nghề đan lát và trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Sau đây mời quý vị cùng chúng tôi đến thăm một ngôi làng, nơi đây bà con còn lưu giữ nghề đan lát của ông bà từ nhiều đời nay.

 

Ngâm Thung đã trở thành làng nghề đan lát nổi tiếng từ xưa đến nay trên vùng đất Gia Lai.

Sống giữa núi rừng đại ngàn những chàng trai Jrai ở làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa đã biết cách cầm con dao, đan cái gùi tù lúc mới lên 10 tuổi…, có lẽ vậy mà Ngâm Thung đã trở thành làng nghề đan lát nổi tiếng từ xưa đến nay trên vùng đất Gia Lai.

     Không ai biết nghề đan lát xuất hiện ở làng Ngâm Thung từ khi nào chỉ biết rằng hàng đan bằng tre, nứa của làng vừa đẹp lại vừa bền. Trước kia khi các mặt hàng nhựa chưa có nhiều thì mặt hàng đan lát bằng tre là vật dụng được sử dụng chủ yếu trong cuộc sống của nhiều gia đình…

Ông Y Howk, làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, Gia Lai cho biết: “Ở làng mọi ngừơi dân đều tham gia đan lát, bà con tập trung thành từng nhóm nhỏ để làm, sản phẩm làm ra được tập trung chở đi bán tại các chợ trong huyện và các huyện khác…hoặc làm theo đơn đặt hàng của khách, ngày nay thì nghề đan lát vẫn gắn bó với bà con dù vẫn còn đó những khó khăn nhất định về đầu ra của sản phẩm”.

Sản phẩm đan lát chính của làng Ngâm Thung chủ yếu là những chiếc gùi truyền thống. Ngày nay, những chiếc gùi của làng Ngâm Thung không chỉ là vật dụng để đựng mà còn là một sản phẩm du lịch độc đáo: Vừa bền; đẹp; sắc sảo về đường nét và sống động trong họa tiết, hoa văn…Tất cả, được người nghệ nhân dành nhiều tâm huyết, sự tỉ mĩ và tình yêu với nghề mới có được.

Ông Baih, làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, Gia Lai chia sẻ: “Đan được chiếc gùi đẹp rất là khó, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và thời gian. Vì vậy, đan được chiếc gùi đẹp thì chỉ có người già trong làng thôi, còn những đứa trẻ thì phải cố gắng học thật nhiều mới làm được”.

Phải mất  từ 3-4 ngày mới làm xong một chiếc gùi, và giá cho mỗi chiếc gùi từ 100 -180 ngàn đồng, một cái giá thật sự chưa tương xứng so với công sức những người thợ đan lát làng Ngâm Thung bỏ ra. Nhưng không vì thế mà người dân làng Ngâm Thung quay lưng lại với nghề truyền thống. Sau mùa nương rẫy, những người thợ lại tất bật với công việc đan lát vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa thỏa thích niềm đam mê với cái nghề đã gắn bó mật thiết, lâu đời trong cuộc sống.

Nói về mong muốn để duy trì nghề, Ông Chun, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pết, Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Nghề là truyền thống, nhưng lại chưa có một tổ chức cụ thể để bao tiêu sản phẩm nên sản phẩm làm ra hiện nay đa phần bà con tự tiềm đầu mối tiêu thụ nên giá không cao và không ổn định. Điều đáng mừng là bà con vẫn duy trì,  chúng tôi mong muốn thành lập một hợp tác xã và mở những lớp truyền dạy và nghề truyền thống để phát triển nghề tại địa phương”.

Kim Ngân-Viễn Khánh


Lượt xem: 248

Trả lời