Độc đáo ẩm thực Bahnar

Cập nhật 09/3/2021, 13:03:12

Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống, như: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng… đồng bào Bahnar trên địa bàn huyện Kbang vẫn còn lưu giữ nhiều món ẩm thực đặc sắc. Nếu như cơm lam, gà nướng, lá mì, cà đắng, ốc đá… thường xuyên được lựa chọn để giới thiệu và phục vụ du khách gần xa; thì bà con còn có những món ngon dân dã rất độc đáo khác gắn liền với đời sống, sinh hoạt hàng ngày.

Mâm cơm thiết đãi khách của gia đình ông Đinh Biar, ở làng Mơhven – Ôr (xã Kông Lơng Khơng-huyện Kbang) luôn mang đậm bản sắc của người Bahnar. Ông tự hào khi được giới thiệu với những người muốn tìm hiểu về các nguyên liệu cũng như cách chế biến từng món ăn. Với ông, một trong những món ngon dân dã nhưng không thể thiếu của người Bahnar chính là món Tơpung.

Ông Đinh Biar – Làng Mơhven – Ôr, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cho biết: “Món Tơpung này thường được dùng trong các dịp lễ, tết; ma chay cưới hỏi thì mình dùng món này, thiết đãi bạn bè, bà con dân làng. Đặc biệt trong ngày cưới là không thể thiếu món này được, để người già và trẻ nhỏ đều dùng được”.

Để thực hiện món Tơpung, người Bahnar thường dùng gạo đã vo sạch, đem giã thật nhuyễn thành bột mịn. Thứ bột này sau đó sẽ được nấu chung với nước hầm mỡ lá hoặc xương heo, bột được rải từ từ và đảo đều đến khi chín là được.

Nếu như Tơpung là món ngon cho những sự kiện quan trọng thì “Cá đùm lá chuối” lại là một món ăn hấp dẫn mà quen thuộc hàng ngày của người Bahnar.

Anh Đinh Ngọc, Con trai ông Đinh Biar nói: “Đây là cá sông. Cá sông này mình gói trong lá chuối, nêm nếm với chút bột ngọt và muối, thêm ít nước và nướng lên khoảng 15 phút là chín ăn được. Đây là món ăn truyền thống xưa của dân tộc chúng tôi, rất phù hợp để sử dụng thường xuyên khi chúng tôi đi rừng, ngủ rẫy”.

Nói về ẩm thực Bahnar mà không đề cập đến gia vị là một thiếu sót rất lớn. Và Hte là đại diện khá đầy đủ cho một loại gia vị làm cho món ăn không chỉ đậm đà bản sắc mà con thơm ngon và đẹp mắt.

Ông Đinh Biar – Làng Mơhven – Ôr, xã Kông Lơng Khơng-huyện Kbang cho biết: “Món Hte truyền thống của chúng tôi cũng được nấu giống như món Tơpung kia. Đó là gạo giã nhuyễn, giã chung với lá Mì và lá Nhao. Đặc biệt ở món Hte này chính là lá Nhao, hay còn gọi là lá bột ngọt. Đây là gia vị đặc biệt để cho món ăn có vị ngọt thanh và mát rất đặc trưng mà bột ngọt bây giờ không làm được, nếu chỉ nấu lá mì với tơpung thôi thì món ăn sẽ hơi chát, khó ăn. Đây cũng là gia vị truyền thống mà không phải nơi đâu cũng có được”.

Đúng như lời ông Biar nói, gạo sau khi được giã nhuyễn cùng với lá Nhao có sắc xanh rất tươi và bắt mắt, khi được kết hợp với lá mì quen thuộc sẽ tạo ra một sản phẩm sẵn sàng làm hài lòng bất kỳ thực khách nào. Tất cả những món ăn như Cơm lam, Gà nướng, Tơpung, Hte, Cá nướng lá chuối… chỉ cần dùng chung một loại muối chấm đặc trưng – muối ớt lá é – là đủ đầy hương vị. Có thể thấy trong mỗi món ăn dân dã không chỉ có những hương vị rất đặc trưng mà còn chứa đựng cả tình yêu dân tộc. Bởi chỉ có yêu dân tộc, yêu bản sắc thì họ mới lưu giữ và khắc sâu nét ẩm thực truyền thống ấy.

Và nhắc tới ẩm thực Bahnar không thể không nhắc đến rượu cần. Theo chị Đinh Thị Dung ở  xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, để nấu rượu cần, men rượu là quan trọng nhất, và men thủ công do bà con làm chính là bí quyết tạo nên sự khác biệt.

Chị Đinh Thị Dung, Làng Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cho biết: “Thứ nhất là cần phải có củ riềng thái mỏng; thứ 2 là cần phải có ớt, và ớt thì mình cần ớt chim vì ớt chim cay và nồng hơn nên làm bằng ớt chim sẽ ngon hơn; thứ 3 là phải có mía, mía có vị ngọt sẽ giúp cho rượu mình nấu lên có vị ngọt; và nguyên liệu rất cần thiết là phải có gạo, gạo mình sẽ ngâm ủ; và còn có vỏ của loại cây người Bahnar gọi là cây hiam. Mình sẽ trộn lẫn tất cả nguyên liệu này lại với nhau, mình giã nhuyễn ra và vò viên, tạo thành 1 mảng, treo lên dàn bếp. Dàn bếp phải đảm bảo có lửa thường xuyên, đủ độ nóng để cục men khô. Nấu rượu cần vừa phát huy truyền thống của người Bahnar, vừa tăng thêm thu nhập và quảng bá sản phẩm đến tất cả mọi miền trên cả nước”.

Bên cạnh công việc chính là giáo viên, chị Dung đã gắn bó với nghề nấu rượu cần hơn 3 năm nay với thương hiệu “Rượu cần bobo mẹ Shim”. Chị cũng thường xuyên đăng bán sản phẩm trên mạng xã hội và nhập sỉ rượu cần cho các nhà hàng, đại lý tại thành phố Pleiku, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…Việc lưu giữ và phát huy đặc sản của dân tộc mình đã giúp gia đình chị Dung hàng năm có thêm khoảng 50 triệu đồng thu nhập từ kinh doanh rượu cần.

Có thể khẳng định, nếu như trước đây bản sắc văn hóa làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người Bahnar thêm phong phú, đủ đầy; thì ngày nay việc phát huy những giá trị bản sắc đó còn là sinh kế để nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Ý thức rất rõ điều đó nên hiện nay rất nhiều hộ Bahnar trên địa bàn huyện Kbang đang từng ngày gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa của mình đến bạn bè gần xa…

CTV Hà Duyệt (Huyện Kbang)


Lượt xem: 113

Trả lời