Doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê gặp khó khi giá nguyên liệu tăng

Cập nhật 25/3/2024, 16:03:53

Giá cà phê tăng liên tục suốt những tháng qua đã mang lại tín hiệu lạc quan cho ngành hàng cà phê nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc tăng giá kỷ lục của mặt hàng này cũng tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê. Giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, đồng nghĩa với chi phí để đầu tư cho sản xuất cũng tăng lên với tỷ lệ tương ứng. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá bán sản phẩm lại phải thực hiện hết sức dè chừng. Làm thế nào để duy trì sản xuất và đảm bảo được lợi nhuận trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao chính là bài toán khó cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê của tỉnh.

Giá cà phê nguyên liệu tăng liên tục trong hơn 5 tháng qua đã khiến cho giá thành sản xuất 1kg cà phê tăng từ 60% đến 70% so với năm ngoái. Bởi vậy, để điều chỉnh tăng giá bán ra thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê lại phải rất đắn đo.

Như doanh nghiệp này, từ khi cà phê tăng giá đầu niên vụ đến nay, doanh nghiệp mới chỉ tiến hành điều chỉnh giá bán 2 lần với tổng mức điều chỉnh tăng không quá 15% giá cũ. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, việc điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm khi giá thành sản xuất tăng hơn hơn gấp đôi so với năm ngoái là việc bất khả kháng và nó cũng đang gây ra những bất lợi lớn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm – Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Classic cho biết: “Đây là một vấn đề doanh nghiệp đang phải đối phó và tìm giải pháp/ Khi giá đầu vào tăng, giá thành sản xuất tăng lên nhưng giá bán phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Mà nhu cầu trên thị trường hiện nay xu thế chung đối với mặt hàng tiêu dùng thì đang giảm do những khó khăn của tình hình kinh tế. Việc điều chỉnh giá bán theo giá thành sản xuất cần phải hết sức cân nhắc. Như doanh nghiệp của tôi, rõ ràng giá nguyên liệu từ 40 ngàn nay đã lên đến 90 ngàn, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể điều chỉnh tăng được 15%.”

Theo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh, để điều chỉnh được giá bán ra thị trường, các doanh nghiệp phải rất vất vả và khó khăn để thuyết phục khách hàng đồng ý. Nếu không đạt được thỏa thuận, rất dễ dẫn đến mất khách hàng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá bán nếu được thỏa thuận thành công thì tỷ lệ tăng cũng không thể nào tương đương được với mức tăng của giá thành sản xuất. Chưa kể đến đối với các đơn hàng đã được ký ở thời điểm giá nguyên liệu đang thấp thì hiện nay các doanh nghiệp phải gồng lỗ để hoàn tất hợp đồng.

Ông Phan Bá Kiên – Giám đốc Công ty TNHH BaKa Gia Lai trao đổi: “Doanh nghiệp cũng đã có sự chủ động trong việc dự trữ nguyên liệu trong suốt một năm sản xuất. Nhưng điều này cũng chỉ giải quyết được một phần thôi nên phải điều chỉnh lại biên độ lợi nhuận. Đối với các đơn hàng hợp đồng đã ký, doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ để giữ uy tín với khách hàng. Sau này sẽ điều chỉnh với những đơn hàng mới, mình cũng sẽ phải thuyết phục khách hàng để có sự điều chỉnh hợp lý.”

Giá nguyên liệu tăng cao cũng đã kéo theo khó khăn về nguồn vốn đầu tư đối với doanh nghiệp. Cùng một số vốn, năm ngoái các doanh nghiệp có thể đủ mua nguyên liệu dự trữ cho sản xuất trong cả năm, thì năm nay, số tiền này chỉ đủ để trang trải chi phí mua nguyên liệu cho nửa năm. Trong khi đó, việc bổ sung được ngay lập tức nguồn vốn để tiếp tục dự trữ nguyên liệu sản xuất không phải là vấn đề dễ dàng, nhất là khi giá đang cao.

Có thể thấy, những khó khăn đặt ra là rất lớn khi tiềm lực về vốn của đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sâu cà phê trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là phép thử để các doanh nghiệp cà phê của Gia Lai tìm ra được hướng đi bền vững hơn trong tương lai.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm – Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê Classic cho biết: “Doanh nghiệp phải tính toán đường dài hơn cho hoạt động của mình. Mình phải tái cơ cấu lại hoạt động chặt chẽ hơn, tiết giảm chi phí sản xuất không cần thiết, điều chỉnh lại quy mô cho phù hợp, cần tính toán lại nhu cầu sản xuất và nguyên liệu dự phòng nhằm bảo toàn được nguồn vốn sản xuất. Cái sống còn nhất đối với doanh nghiệp để tránh được khủng hoảng là tập trung ra thị trường bên ngoài, thị trường xuất khẩu để có khoảng thặng dư tương ứng khi giá tăng.”

Giá nguyên liệu cà phê trên thị trường hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, hiện nay lượng cà phê trong dân và các đại lý không còn nhiều mà chủ yếu nằm trong kho của một số ít doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Do đó có thể thấy, việc tăng giá ở thời điểm này không phải ai cũng được hưởng lợi mà ngược lại đó còn là khó khăn, thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến sâu.

Ngọc Hà – Thúy Diện – Viễn Khánh


Lượt xem: 4

Trả lời