Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “ Phục hồi và Phát triển bền vững”

Cập nhật 05/12/2021, 17:12:44

Hôm nay ( ngày 5.12), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ICC ( Thủ đô Hà Nội), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và Phát triển bền vững”. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 điểm cầu quốc tế. Đồng chí Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và chủ trì Diễn đàn. Dự Diễn đàn tại điểm đầu cầu truyền hình tỉnh Gia Lai có đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

 

 Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” được chia thành 2 phiên: Phiên toàn thể buổi sáng, tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận, gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19… Theo các đại biểu, khủng hoảng kinh tế-xã hội lần này xuất phát từ đại dịch Covid-19; nên để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch Covid-19, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội cũng như hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp.

Cũng theo các đại biểu, để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, Việt Nam cần tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu mà hiện nay nền kinh tế còn đang rất yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đồng thời, bám sát chủ trương của Đảng về điều chỉnh chính sách tài chính-tiền tệ hiệu quả, có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm vì nếu không đủ liều lượng thì có thể không giải quyết những vấn đề cấp bách, không tạo ra sự thay đổi, thậm chí lãng phí hơn. Trong đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng…

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, Nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước đã hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Chủ đề của Diễn đàn năm nay gồm “hai chữ P” – tức là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ngoài “hai chữ P”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Diễn đàn đã thể hiện mối quan hệ rất mật thiết giữa “hai chữ C” – Chính sách và Cuộc sống. Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch đi. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: sau Diễn đàn, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu và thiết kế các chính sách để sớm áp dụng vào thực tiễn nhằm duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững nền kinh tế hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số…./.

  Đoàn Bình, Huy Toàn


Lượt xem: 12

Trả lời