Điểm tựa để người khiếm thị vươn lên

Cập nhật 05/7/2022, 16:07:15

Với vai trò và trách nhiệm của mình, trong nhiệm kỳ II (2017 – 2022), Hội Người mù tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa để chăm lo đời sống cho người khiếm thị. Với những hoạt động hỗ trợ thiết thực, những người kiếm thị trên địa bàn tỉnh đã có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống để cùng nhau tìm cho mình một “nguồn sáng” riêng, phấn đấu trở thành người có ích và làm chủ cuộc đời mình.

 “An cư lập nghiệp” là mong muốn của mỗi người và đặc biệt là đối với những người khiếm thị, bởi điều kiện kinh tế, khả năng lao động của họ có nhiều hạn chế. Thấu hiểu, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ để xây dựng nhà ở, giúp họ có chỗ ở ổn định, tiếp thêm động lực để họ vươn lên. Trong 5 năm (2017 – 2022), Hội đã tiến hành xây dựng, sửa chữa 8 căn “Nhà tình nghĩa” cho người mù thuộc diện hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở tạm bợ, dột nát, với tổng trị giá gần 570 triệu đồng.

Anh Ksor Năm – Xã Ia Chía, huyện Ia Grai cho biết: “Vợ chồng mình cuộc sống rất khó khăn. Lúc trước nhà dột nát hết, bây giờ gia đình được cấp trên trao tặng nhà, rất mừng, mình không biết nói gì hơn là rất cảm ơn cấp trên đã xây tặng nhà cho vợ chồng mình”.

Cùng với việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, Hội Người mù tỉnh còn luôn quan tâm, tạo điều kiện  để người mù có công ăn việc làm, có thêm thu nhập. Từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ, Hội  cho vay vốn để người khiếm thị thực hiện sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Cùng với đó, Hội phối  hợp với các Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật các tỉnh; Hội Đông Y tỉnh và Trường Trung cấp Tây Sài Gòn hỗ trợ 64 người mù đi học nghề mát xa, xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền, sau khi ra trường các học viên đều có chứng chỉ hành nghề, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Hiện nay, Hội vẫn duy trì hoạt động 02 cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền, tạo công ăn việc làm cho 13 lao động.

Anh Rơ Mah Thơm – Hội viên Hội Người mù tỉnh Gia Lai nói: “Em làm nghề này được 4 năm rồi. Trước đây chưa có việc làm thì rất vất vả. Giờ có công việc thì rất hạnh phúc, đỡ cho gia đình. 1 tháng em làm được 3 triệu”.

Với quyết tâm là chỗ dựa vững chắc để chăm lo đời sống cho hội viên, người khiếm thị được tốt hơn, Hội Người mù tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên. Hội thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, tạo điều kiện để họ tham gia các cuộc thi tay nghề để tự tin hòa nhập cộng đồng, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, Hội cũng đã tổ chức 02 lớp học chữ nổi Braille (loại chữ dành riêng cho người mù) cho 40 người tham gia. Lớp học giúp người khiếm thị ráp vần, đọc và viết chữ nổi Braille theo mô hình 6 chấm để họ tiếp cận với sách, báo, qua đó nâng cao nhận thức trong cuộc sống.

Ông Hoàng Văn Em – Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Gia Lai cho biết: “Hội muốn tổ chức lớp học để cho người mù biết đọc, biết viết và đọc sách, đọc báo để nâng cao trình độ văn hóa, phục hồi chức năng, kỹ năng giao tiếp để hòa nhập giữa cộng đồng. Để đi học được chữ này, thì còn ít, tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành sẽ quan tâm nhiều hơn để xóa mù chữ cho người mù càng nhiều càng tốt.”

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 1.900 người khiếm thị, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 76%, phụ nữ mù chiếm 40%. Nhìn chung, điều kiện của người khiếm thị còn nhiều khó khăn, chính vì vậy với các hoạt động của Hội thực hiện đã phần nào chia sẻ khó khăn với  họ. Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, Hội đã vận động được gần 2 tỷ đồng để thực hiện các chương trình chăm lo, giúp đỡ người khiếm thị trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi tập trung cho việc học tập, khai thông văn hóa, nhất là chữ Braille cho người mù, không kể lứa tuổi, tiếp đó là hướng dẫn, giới thiệu các ngành nghề của người mù làm được chủ yếu là giúp cho người mù thích ứng được các công việc mà có thể làm được và người thân giúp đỡ để làm. Đồng thời, phát huy nguồn vốn Trung ương, tạo việc làm để nuôi ong, nuôi bò, nuôi gà.”

Hội Người mù là một tổ chức Xã hội đặc thù trong các Hội đặc thù và chỉ mới có một tổ chức Hội cấp tỉnh nên quá trình triển khai hoạt động công tác, Hội còn gặp nhiều khó khăn. Toàn thể cán bộ, Hội viên của Hội sẽ tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, tích cực tham gia các phong trào thi đua để đạt được những kết quả thiết thực hơn nữa, hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Người mù tỉnh Gia Lai lần thứ III, nhiệm kỳ (2022 – 2027) đề ra.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 2

Trả lời