Đẩy mạnh thu hồi đất rừng để trồng rừng

Cập nhật 05/6/2017, 09:06:15

Trong tổng số hơn 30.000ha đất rừng bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích, thì trong năm 2017 Gia Lai phấn đấu thu hồi ít nhất hơn 7.000ha để đưa vào trồng rừng tập trung. Ngoài ra, các địa phương sẽ cân đối sử dụng các nguồn lực trồng thêm 1 triệu cây phân tán tương đương khoảng 1.000 ha rừng.

  Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp là phương án đã được đưa ra, tuy nhiên để đạt được kết quả thì các địa phương vẫn còn đó rất nhiều việc phải làm. Phóng sự ghi nhận tại huyện Chư Pah.

 

Khu đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm để trồng cây cà phê thuộc diện tích đất quản lý của xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah,  trong tổng số hơn 30.000ha đất rừng bị lấn chiếm ở Gia Lai thì huyện Chư Pah có hơn 8.300ha nằm trong diện phải thu hồi.

Khó khăn nhất hiện nay, là huyện có đến hơn 5.000ha diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm được bà con trồng hoa màu và những cây công nghiệp lâu dài đã cho thu hoạch nên việc thu hồi còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nay Vân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tuyên truyền rồi, vận động rồi, nhưng giờ có rất nhiều diện tích bà con đã lấn chiếm lập thành các tiểu điền, trồng hoa màu, đặc biệt là cà phê, cao su nên việc triển khai thu hồi trên diện tích này là còn nhiều khó khăn.

Để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm và thực hiện công tác thu hồi nhanh chóng, hiệu quả đúng pháp luật. Huyện Chư Pah đã yêu cầu lực lượng chức năng và các chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết rõ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng là vi phạm pháp luật, đồng thời phải nhanh chóng xây dựng phương án trồng rừng trên diện tích bị thu hồi.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Đối với xã thì sẽ có kế hoạch trồng tất cả các loại cây lâm sinh như keo, bời lời, thông 3 lá…và Kiểm  lâm địa bàn sẽ có tư vấn cho xã nên trồng cây gì cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương”.

Mặc dù chủ trương đã có, và các lực lượng chức năng đang nổ lực triển khai thực hiện, nhưng nếu huyện Chư Pah không nhanh chóng lập phương án lâu dài về quy hoạch, bố trí ổn định dân cư phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; từ đó thực hiện  chính sách hỗ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ thuộc diện sống gần rừng, thì nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy vẫn sẽ tiếp tục xảy ra và việc thu hồi lại những diện tích đất rừng đã bị xâm lấn sẽ rất khó thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Quang , Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi hình thành ban chỉ đạo theo nghị định 75và quyết định 38 về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân tại chỗ, tạo công an việc làm rồi giảm nghèo và các hạ tầng khác nữa. Chúng tôi đang giao cho hạt kiểm lâm xây dựng đề án thành lập ban quản lý dự án về các hạng mục như: Trồng rừng, khoáng bảo vệ rừng nói chung đưa người dân vào làm nghề rừng để hạn chế mức độ thấp nhất việc phá rừng làm nương rẫy, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững”.

Bằng những hướng đi mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là chính quyền địa phương, kiểm lâm và cộng đồng người dân, được kỳ vọng những cánh rừng ở Gia Lai nhanh chóng phủ xanh các diện tích đất trống, đồi núi trọc. Góp phần ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế – xã hội ở địa phương

Kim Ngân,  Đoàn Bình


Lượt xem: 158

Trả lời