Đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh

Cập nhật 09/7/2020, 07:07:15

Thời gian vừa qua do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) trên địa bàn tỉnh có phần bị ứ đọng.
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã linh động bố trí triển khai công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX để giải tỏa kịp thời lượng học viên bị dồn lại.

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã linh động bố trí triển khai công tác đào tạo và sát hạch tùy theo điều kiện tình hình thực tế. Do đó, đã giải tỏa kịp thời lượng học viên có nhu cầu dự sát hạch cấp GPLX bị dồn lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức sát hạch, cấp GPLX cho trên 18.000 trường hợp, trong đó có hơn 15.300 GPLX mô tô hạng A1 (tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019), khoảng 3.000 GPLX ô tô các hạng…

 Ông Tăng Xuân Kiên – Trưởng Phòng Quản lý Phương tiện-Người lái, Sở Giao thông Vận tải Gia Lai cho biết:  “Hết thời gian đỉnh điểm dịch Covid-19, Sở GT-VT đã cho phép các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe hoạt động trở lại. Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch đã bố trí hết sức khoa học, tăng ca, tăng giờ; đào tạo, sát hạch kể cả vào các ngày nghỉ, thứ 7, chủ nhật… Do đó, đã giải tỏa tốt nhu cầu người dân đã được đào tạo, có kế hoạch sát hạch cấp GPLX trước đó. Đến nay, việc tồn đọng lượng học viên-nhất là cấp GPLX mô tô là không có”.

Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, 6 cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1 (2 cơ sở tại TP. Pleiku và 4 cơ sở tại các huyện, thị xã), đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở đào tạo đều chú trọng chiêu sinh, đào tạo, sát hạch tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Do đó, việc đăng ký học GPLX của người dân tại các địa phương vùng sâu, vùng xa thuận lợi hơn rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hà – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khánh Bảo cũng nói: “Nói chung chất lượng thí sinh thì mình phải luôn đảm bảo. Trong quá trình đào tạo, sát hạch phải đảm bảo đúng-đủ thời gian cho họ. Để khi thi xong thì tất cả những kiến thức về pháp luật, kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông trên sa hình hay ngoài đường họ đều nắm được. Điều đó giúp họ tham gia giao thông đường bộ một cách an toàn”.

Thí sinh Nay H’Biêo – Buôn Drai, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa cho biết: “Em học để có GPLX hạng A1 để tham gia giao thông an toàn hơn và đi đâu đó cũng được đảm bảo”.

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Kinh, đây là trường hợp đặc thù được Bộ Giao thông Vận tải  quy định. Qua đây, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận và theo học chương trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX,đặc biệt là đối với đối tượng người  DTTS trên địa bàn tỉnh./.

Xuân Huy, Minh Trung


Lượt xem: 108

Trả lời