Đa sắc màu văn hóa hội tụ trong đêm hội “Sức sống đại ngàn”

Cập nhật 14/4/2024, 09:04:44

Tối qua (13.4), gần 800 nghệ nhân đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai đã có dịp tỏa sáng trong Đêm hội “Sức sống cội nguồn”. Diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku, “Sức sống cội nguồn” là chương trình tiêu điểm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024. Tham dự chương trình có các đồng chí: Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành của tỉnh.

Mở đầu chương trình “Sức sống cội nguồn” là các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các ca sỹ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San thể hiện đã mang đến không gian âm nhạc, nghệ thuật đậm chất Tây Nguyên, Gia Lai.

Tiếp đó là phần trình tấu cồng chiêng, kết hợp múa xoang của 17 Đoàn nghệ nhân đã tạo nên không khí hân hoan, tưng bừng của Đêm hội.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT&DL, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024 khẳng định: Chủ đề của Ngày hội năm nay là “Sức sống cuội nguồn”, là dịp để nhìn nhận, đánh giá và khẳng định văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn hiện hữu, phong phú, đa dạng trong đời sống cộng đồng. Nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân là biến các giá trị văn hóa truyền thống trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh; là động lực để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

Đồng chí Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT&DL, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024 cho biết: “Ngày hôm nay hội tụ về đây, các nghệ nhân đã tạm ngưng việc nương rẫy, nhà cửa, để đến đây vui chơi, tự do thể hiện bản thân cũng như giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Kể từ khi Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ Nhất, năm 2022 tổ chức, một số địa phương đã có sự thay đổi về quan điểm, phương thức hoạt động, không còn là những cuộc thi dưới ánh đèn sân khấu, trong hội trường có Hội đồng nghệ thuật chấm điểm, đánh giá, xếp loại, mà đã mở ra không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống gần gũi với buôn làng cho bà con vui chơi, sinh hoạt.”

Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cấp cơ sở; sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành tại địa phương. Nhân dịp này, tôi đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Bởi, các dân tộc đều bình đẳng như nhau, đều có kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, phong phú, chúng ta phải biết khai thác, gìn giữ, phát huy.

Dịp này, Ban Tổ chức đã tặng hoa và giấy chứng nhận cho đại diện các Đoàn tham gia Ngày hội; tặng hoa và Thư cảm ơn cho các đơn vị tài trợ đã tặng quà cho nghệ nhân và hỗ trợ truyền thông cho Ngày hội.

Đặc biệt, tại Đêm hội “Sức sống cội nguồn”, các đại biểu, khán giả và du khách được thưởng thức Chương trình nghệ thuật, với nhiều tiết mục đặc sắc. Mở đầu là bài diễn tấu Cồng chiêng mừng nhà rông mới, do Đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro thể hiện. Đây là tiết mục mở màn, với sự tham gia của phần lớn nghệ nhân nhí, đã tạo nên âm hưởng, tiết tấu cồng chiêng rộn rã, kết hợp với những vũ điệu xoang, Brêm phụ họa rất cuốn hút…

Em Đinh Thị Lệ – Xã Ya Ma, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “Tiết mục này tụi em tập 1 tuần, hôm nay tham gia thấy vui và phấn khởi lắm.”

10 tiết mục trình diễn trong Đêm hội là những bài diễn tấu cồng chiêng, hát, múa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, kết hợp trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn cà kheo nghệ thuật do chính các nghệ nhân tài hoa đến từ nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh thể hiện. Nhằm tạo sự khác biệt trong cách thức tổ chức, năm nay, Ban Tổ chức đưa thêm một số loại hình văn hóa nghệ thuật mới vào trình diễn, như: Tái hiện không gian biểu diễn chèo (chiếu chèo), đây là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo của người Việt…

Nhờ có sự đầu tư, chuẩn bị công phu của các địa phương, Đoàn nghệ nhân đã mang đến không gian văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đa sắc màu, đúng như chủ đề của Chương trình “Sức sống cội nguồn”, xứng đáng là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Gia Lai đại ngàn…

Nghệ nhân Đinh Mích – Xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai chia sẻ: “Khâu tổ chức, chương trình mang âm hưởng của các dân tộc Tây Nguyên đã mang đến cho chương trình tối nay rất hay. Đoàn Phú Thiện chúng tôi năm nay tham gia hoạt động phục dựng lễ mừng chiến thắng, tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ dân tộc. Rất vui hôm nay có mặt tại đây giao lưu với các dân tộc và trình diễn cho khán giả xem.”

Từ những chương trình thực tế, đưa không gian văn hóa từ làng ra phố, như: Đêm hội “Sức sống cội nguồn”, với nội dung thiết kế phong phú, đặc sắc, ý thức trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa được nâng lên. Là dịp để các nghệ nhân tỏa sáng, mang những giá trị, tinh hoa văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trình diễn, quảng bá tới công chúng…

Chị Trần Thị Tâm – Thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai bày tỏ: “Hôm nay gia đình đi 4 thành viên lên phố xem chương trình này, rất vui và thích thú, nhất là các cháu nhỏ. Qua đây, các cháu cũng biết thêm về văn hóa Gia Lai, Tây Nguyên. Một đêm rất bổ ích và đậm chất Tây Nguyên, chúng tôi rất ấn tượng…”

Chương trình Đêm hội “Sức sống cội nguồn” và chuỗi các hoạt động được tổ chức trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024 nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu học hỏi lẫn nhau giữa cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai; là hoạt động thiết thực kỷ niệm 78 năm Ngày Bác Hồ gửi Thư Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku (19/4/1946 –19/4/2024); chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024)…

 Ngày 14.4, tiếp tục diễn ra hoạt động tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc; trình diễn cà kheo; nhảy bao bố tiếp sức; giã gạo chày đôi; Ban tổ chức và đại diện các đoàn họp tổng kết đánh giá, kết thúc Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024.

Song Nguyễn – Ksor Tuối


Lượt xem: 11

Trả lời