Cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng bất khuất của Anh hùng Núp

Cập nhật 24/4/2024, 10:04:26

Nói đến Tây Nguyên không thể không nhắc đến Anh hùng Núp – người con ưu tú, “cánh chim đầu đàn” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đã đi vào lịch sử dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng bất khuất của Anh hùng Núp là biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam, về tinh thần kiên cường, anh dũng, về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần bất khuất của Tây Nguyên. Nhân Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Anh hùng Núp (02/5/1914-02/5/2024, THGL xin chuyển đến quý độc giả phóng sự về Cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng buất khuất của Anh hùng Núp.

Anh hùng Núp còn có tên là Sar, sinh ngày 02/5/1914, trong một gia đình Bahnar nghèo sống bằng nghề nương rẫy, tại làng Đe Dong, xã Nam, huyện An Khê (nay là làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Từ khi chưa có chân lý cách mạng soi sáng đường đi, bằng mang cung, ná, chông… Anh hùng Núp đã cùng đồng bào kiên cường “bắn Pháp chảy máu”. Đó là một bước ngoặt quan trọng trong việc giúp đồng bào của mình tin tưởng vào khả năng thắng giặc và quyết tâm đánh giặc. Năm 1945, Anh hùng Núp tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Từ đấy, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ông vận động đồng bào thành lập các tổ du kích, xây dựng làng chiến đấu chống những cuộc càn quét của quân viễn chinh Pháp, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Thạc sỹ Sử học Phan Thị Nga – Phó Hiệu trưởng Trường  Chính trị tỉnh Gia Lai nói: “Trong những năm chống Pháp, dưới sự lãnh đạo và sự chỉ huy mưu trí của của Thôn đội trưởng Núp, dân làng Stơr đã lập làng kháng chiến, đánh địch quyết liệt bằng vũ khí rất thô sơ như: chông, mang cung, bẫy đá, hàng rào, vọng gác,…chỉ trong mấy tháng cuối năm 1950 đầu năm 1951, Pháp đã 10 lần hành quân đến đánh làng Stơr, phá rẫy, đốt nhà, cướp lúa, nhân dân trong làng phải chịu nhiều khổ cực…nhưng kẻ thù không thể làm nao núng tinh thần yêu quê hương đất nước của bok Núp, của người dân Stơr. Gương chiến đấu của làng kháng chiến Stơr, của anh Núp có sức ảnh hưởng ngày càng sâu rộng khắp buôn làng, núi rừng Tây Nguyên.”

Với những đóng góp của mình, năm 1953, tại Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua toàn Liên khu, Anh hùng Núp đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1954, Anh hùng Núp tập kết ra Bắc học tập và năm 1955 vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, là người Tây Nguyên đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này. Từ năm 1954 đến năm 1964, Anh hùng Núp đã học tập, công tác tại miền Bắc với nhiều hoạt động sôi nổi và đến năm 1964, người con ưu tú của buôn, làng Tây Nguyên về lại với núi rừng quê hương và tiếp tục cống hiến công sức của mình cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Thạc sỹ Sử học Phan Thị Nga – Phó Hiệu trưởng Trường  Chính trị tỉnh Gia Lai cho biết: “Có thể nói, Anh hùng Núp là sợi giây kết nối đồng bào Bahnar, Jrai các dân tộc tại chỗ của Gia Lai với Đảng, với Nhà nước. Từ năm 1967-1991, ông đã tham gia tích cực trong hoạt động Mặt trận dân tộc Giải phóng tỉnh Gia Lai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Anh hùng Núp là biểu tượng, là niềm kiêu hãnh của buôn làng Tây Nguyên, là thần tượng của biết bao thế hệ người Việt Nam. Anh hùng Núp huyền thoại, thời anh cùng bà con làng Kông Hoa tổ chức đánh cho thằng Pháp chảy máu. Một anh Núp hồn nhiên, trong sáng nhưng quyết liệt. Hình tượng Anh hùng Núp bằng xương, bằng thịt cực kỳ giản dị, tiết kiệm qua từng chi tiết nhỏ trong sinh hoạt thường ngày….”

 Để tưởng nhớ người con ưu tú, tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước thương dân cho các thế hệ mai sau; trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều công trình, hạng mục trưng bày, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cách mạng bất khuất của Anh hùng Núp; nhiều con đường và trường học cũng đã mang tên ông – “cánh chim đầu đàn” của đồng bào Tây Nguyên, đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam./.

Ngọc Ánh – Minh Trung


Lượt xem: 12

Trả lời