Công tác xã hội – Nghề của những tấm lòng

Cập nhật 25/3/2024, 16:03:02

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25 tháng 3 hàng năm là ngày Công tác xã hội Việt Nam như một hình thức tôn vinh những người làm Nghề Công tác xã hội. Với những người làm công việc này, khó khăn, vất vả nhiều khi không đong đếm được, nhưng họ luôn tự hào về nghề và cống hiến hết mình bằng cái tâm nhằm chăm sóc tốt nhất cho những hoàn cảnh kém may mắn.

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, bà Đáy không may bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ. Không có nhà cửa, không người thân thích, những tưởng cuộc đời bà sẽ rơi vào bế tắc. Nhưng phép màu đã đến khi bà được các cán bộ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai phát hiện và đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây. Thuốc thang đều đặn, ăn uốn đủ đầy, lại được sự chăm sóc tận tình của các nhân viên ở đây nên dù đôi chân không thể di chuyển được nhưng tinh thần của bà đã vui vẻ, phấn chấn hơn.

Bà Võ Thị Đáy, TX.Ayun Pa – Người già không nơi nương tựa sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Vô đây thì Trung tâm rất quan tâm, các cô cũng chăm sóc tận tình, ăn uống đầy đủ. Mình coi ở đây là nhà của mình rồi nên mình rất vui”.

Chị Trần Thị Thùy Linh, Nhân viên chăm sóc đối tượng – Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai tâm sự: “Chăm sóc các cụ ở đây thì mỗi cụ đều mang một tính cách khác nhau, nhưng vì mình đã lựa chọn nghề này rồi nên phải nhẫn nại và động viên các cụ để các cụ được vui vẻ hơn.”

Bởi tự đồng cảm và bao dung, nên những nhân viên ở đây kiêm luôn là “bảo mẫu, “mẹ”, “cha” của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; giáo viên của những đứa trẻ bị tự kỷ, khuyết tật, là con, cháu của những người già không nơi nương tựa..Cảm  nhận được tình cảm đó, bản thân cũng từng là trẻ mồ côi, lớn lên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, sau khi được tạo điều kiện để học hành tử tế và ra trường, chị Kpăh H’Ơi đã quyết định quay trở về và làm việc ở nơi mình đã lớn lên.

Chị Kpă H’Ơi, Nhân viên chăm sóc đối tượng – Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai bộc bạch: “Sau khi học ĐH xong thì tôi muốn quay về đây để làm việc và để cảm ơn các cô các chú đã chăm sóc tôi. Hiện tại tôi là điều dưỡng phục hồi chức năng cho các cụ, các cháu và các em khuyết tật tại nơi này.”

Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh hiện có 20 nhân viên trực tiếp chăm sóc 134 hoàn cảnh kém may mắn. Trong đó có 42 trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật; 87 người cao tuổi, người khuyết tât và 5 người được nuôi dưỡng theo chế độ khẩn cấp. Mỗi trường hợp ở đây đến từ nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh, nhưng có một điểm chung là đều không có nơi nương tựa. Thế nên tất cả đều xem đây là ngôi nhà chung của mình khi mỗi ngày đi qua họ dều nhận được sự chăm sóc ân cần của những nhân viên trung tâm.

Bà Nông Thị Châm – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai cho biết: “Để chăm sóc những trường hợp tại Trung tâm, thì hằng năm ngoài Ngân sách được giao trung tâm cũng kêu gọi sự ủng hộ các tổ chức cá nhân đóng góp thêm kinh phí để tổ chức các hoạt động. Các anh chị em ở đây thì rất nhiệt tình và luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cụ cũng như các cháu rất là an tâm khi ở đây.”

Em Chi, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ – Trẻ mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Em sống ở đây từ rất lâu rồi. Tinh cảm mà em nhận được từ các cô rất là nhiều. Con muốn gửi lời cảm ơn đến các cô đã nuôi con khôn lớn, mặc dù lúc nhỏ con hơi ngỗ nghịch nhưng đã bao dung cho con. Con rất biết ơn tình cảm này.”

Vốn thiếu thốn nhiều thứ, nên đôi lúc những hoàn cảnh ở đây cũng hay nổi loạn, bất hợp tác. Do đó, việc chăm sóc cần sự kiên trì và nhẫn nại, tấm lòng thương yêu bao la của những người làm nghề Công tác xã hội. Khó khăn là thế nhưng họ luôn tự hào về nghề của mình; cống hiến hết mình bằng cả cái tâm bởi công tác xã hội là nghề của sự dấn thân, của lòng nhân ái.

Quốc Linh – Đức Thành


Lượt xem: 3

Trả lời