Công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy đang bị bỏ ngỏ

Cập nhật 20/8/2016, 13:08:43

Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều phương tiện giao thông đường thủy đang hoạt động, chủ yếu trên các hồ, sông, suối để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như đi lại, giao thương, sản xuất, vận chuyển hàng hóa, trong đó có cả mục đích không tốt. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh này đang bị bỏ ngỏ nên không những tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và nhất là an toàn đường thủy khi mùa mưa lũ đã đến. Phóng sự sau do nhóm phóng viên Thời sự thực hiện tại huyện Ia Grai.

20.8bongo

Trên bến đò tự phát ở lòng hồ Công trình thủy điện Sê San 4, làng Tang, xã Ia O, huyện Ia Grai hằng ngày có rất nhiều phương tiện giao thông đường thủy, chủ yếu là xuồng, ghe, thuyền có gắn động cơ hoạt động để đánh bắt cá và đưa người, phương tiện, hàng hóa qua lại hai bên bờ hồ. Trong đó nhiều phương tiện có độ an toàn không cao nhưng cả chủ lẫn khách rất chủ quan về vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình; không ai mặc áo phao, vô tư hoạt động và cũng không có đơn vị nào kiểm tra, kiểm soát.

Chị Đào Thị Liên- Làng Tang- xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: “Hằng ngày mình đi lại bằng ghe trên lòng hồ này để đánh cá và buôn bán. Mình cảm thấy bình thường, không có gì nguy hiểm nên không mặc áo phao”.

Theo thống kê của các ngành chức năng huyện Ia Grai, trên địa bàn huyện hiện có 162 phương tiện giao thông đường thủy gồm xuồng, ghe, thuyền làm bằng gỗ và bằng sắt có gắn động cơ, phần lớn ở các xã: Ia O, Ia Khai và Ia Grăng; hoạt động chủ yếu trên lòng hồ của 7 công trình thủy điện và các hồ, sông trong huyện, trong đó có 110 phương tiện  có công suất lớn thuộc thẩm quyền Sở Giao thông vận tải quản lý. Điều đáng nói là tất cả các chủ phương tiện đều chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, cũng như chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất cũng như việc lưu thông các phương tiện trên đang bị buông lỏng nên dẫn đến nhiều hệ lụy, đó là vấn đề an toàn giao thông trên đường thủy đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Đã xảy ra một số vụ va quẹt, tại nạn giao thông, đặc biệt nhiều trường hợp dùng phương tiện này để vận chuyển gỗ trái phép từ một số địa phương thuộc tỉnh Kon Tum và tỉnh Ratarakiri, Vương quốc Campuchia vào địa bàn huyện Ia Grai và đưa người từ địa bàn huyện này vượt biên trái phép sang Campuchia.

Đại úy Phạm Trung Thành- Đồn phó Đồn Biên phòng Ia O, huyện Ia Grai cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bắt giữ 10 vụ với gần 100m3 gỗ dùng thuyền, xuồng vận chuyển trái phép trên các lòng hồ của các công trình thủy điện. Trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra một số trường hợp dùng xuồng, ghe đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia như trường hợp cách đây mấy năm cả nhà vượt biên qua sông bằng thuyền đã bị lật, trong đó may mắn 1 em bé sống sót. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực này, từ đó chúng tôi có thuận lợi hơn trong công tác bảo vệ an ninh biên giới”.

Về phía địa phương ông Phan Trung Tường- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: Những năm qua, chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân khi sử dụng phương tiện thủy nội địa này… Tuy nhiên, qua kiểm tra thực hiện các quy định của nhà nước thì toàn bộ phương tiện này chưa được kiểm định và chưa được cấp giấy phép. Thứ hai là người điều khiển phương tiện chưa được tập huấn, chưa được học nên cũng chưa được cấp giấy phép điều khiển phương tiện, thì đây là vấn đề rất lo. Về giải pháp thì chúng tôi đang kiểm tra, phân loại. Những loại theo phân cấp huyện quản lý thì chúng tôi đang kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì sẽ tiến hành tập huấn cho các chủ phương tiện. Còn 110 phương tiện có công suất lớn thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải quản lý thì chúng tôi đề nghị sở này tiến hành tập huấn rồi cấp giấy chứng, tiến hành kiểm định để quản lý cho tốt”.

Các loại xuồng, thuyền, ghe… giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống và mưu sinh của nhiều gia đình ở các ven hồ, sông, suối. Tuy nhiên, nếu công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị buông lỏng và bỏ ngỏ, nhất là vào mỗi mùa mưa lũ thì sẽ có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khó lường./.

Hà Đức- Huy Toàn- R’Piên


Lượt xem: 197

Trả lời