Còn mãi nỗi đau da cam

Cập nhật 09/8/2018, 15:08:10

Chiến tranh đã đi qua 43 năm nhưng những dư âm, mất mát hy sinh vẫn còn và hậu quả của nó để lại thì hết sức nặng nề. Đặc biệt, nỗi đau mang tên da cam đang hiện diện trên đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đã khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh rất khó khăn.

5 người con đều là nạn nhân của chất độc da cam, trong đó có 1 người đã chết. Họ đều là thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng từ chất độc hóa học, đó là gánh nặng đang đè lên đôi vai bà Siu H’Bup, làng Tào Roòng, xã Ia Pal, huyện Chư Sê.

Bà cho biết: “Trước đây, bố chồng tôi tham gia kháng chiến sau đó chồng và các con cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam. Mấy đứa không biết làm gì cả nên tôi làm hết. Nhà có 2 sào lúa làm để lấy gạo và Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện cho con bò nuôi. Một mình khổ lắm.”

Không quá bi thương như gia đình bà Siu H’Bup nhưng gia đình bà Phạm Thị Hà, Tổ dân phố 21, thị trấn Kbang, huyện Kbang cũng gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng bà sinh được 4 người con nhưng 1 người bị ảnh hưởng rất nặng từ chất độc da cam, phải sống đời thực vật vì thế mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. Điều kiện gia đình vốn đã khó khăn thì nay lại càng khó khăn hơn, bởi hằng ngày ông bà thay nhau chăm sóc con nên chỉ chăn nuôi thêm vài con bò và trồng ít diện tích mì trong vườn nhà.

Bà Phạm Thị Hà, Tổ dân phố 21, thị trấn Kbang, huyện Kbang cũng nói: “Tôi  bị bệnh 20 năm nay, giờ chăm sóc cái cũng vất vả. Phải ở nhà chăm cháu mất 1 người. Chế độ hàng tháng của cháu được hơn 300 ngàn đồng. Điều kiện hoàn cảnh rất khó khăn, tôi muốn sự giúp đỡ của Nhà nước cũng như các cơ quan, đoàn thể liên quan.”

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 13 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 6 ngàn là nạn nhân bị nhiễm trực tiếp và gần 7 ngàn là nhiễm gián tiếp. Nỗi đau da cam đã làm cho nhiều nạn nhân đang phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, nhiều em sinh ra bị dị tật, dị dạng, thiểu năng trí tuệ, không có khả năng lao động, không có tương lai. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm mẹ, làm vợ,…

Bà H’Ngia, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với hậu quả của chất độc da cam này, nhiều nhà khoa học cũng có xác định là hậu quả của chất độc da cam là không thể 1,2 năm mà giải quyết được mà có thể kéo dài trên hàng trăm năm. Có thể thế hệ thứ nhất, thế hệ trực tiếp già không đảm bảo thì mất đi nhưng thế hệ thứ 2, thứ 3 là con, là cháu nạn nhân, tiếp tục bị nhiễm. Nạn nhân gián tiếp đã bị có khi còn nặng hơn cha mẹ.”

Nạn nhân chất độc da cam là “những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Vì vậy, để xoa dịu những nỗi đau da cam rất cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thúy Diện, Minh Trung


Lượt xem: 70

Trả lời