Có những người đam mê cồng chiêng Tây Nguyên

Cập nhật 23/8/2018, 09:08:22

Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng được coi là báu vật, là lịch sử, là tâm hồn, tiếng nói và là sợi dây tâm linh kết nối con người với các đấng thần linh, giúp cộng đồng gắn kết… Thế nhưng đối với người Kinh, việc đam mê và bỏ công tìm hiểu, sưu tầm lại là một câu chuyện thú vị khác. Mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về những con người như thế tại TP.Pleiku, Gia Lai.

Giữa phố thị tấp nập, bước vào ngôi nhà nhỏ xinh của anh Ngô Ngọc Tám trên đường Phạm Văn Đồng TP Pleiku ai cũng sẽ ngỡ ngàng, bởi nó không khác gì một bảo tàng mini. Ở đó trưng bày nhiều cổ vật, đặc biệt là 8 bộ cồng chiêng Tây Nguyên mà anh dành hẳn một góc nhà để bày trí. Là người con quê lúa Thái Bình, anh theo chân cha vào sống tại huyện Mang Yang Gia Lai từ năm 1975. Những ngày mới xa nhà, cũng là lần đầu tiên anh tiếp xúc với tiếng cồng chiêng, lạ lẫm và tò mò, anh bắt đầu tìm hiểu:

Anh Tám chia sẻ: “Đi vào làng tìm hiểu và biết được là tiếng đó là tiếng cồng chiêng vào mùa, hay là người ta thu hái là người ta chơi cồng chiêng. Hồi xưa người ta chơi cồng chiêng còn nhiều. Giao lưu với đồng bào mình mới thấy đam mê cái âm nhạc của họ. Đến khi họ không chơi nữa họ bán mình thấy tiếc mình mới mua và từ đó mình bắt đầu sưu tầm”.

Sau gần 30 năm bén duyên với âm thanh của núi rừng, anh Ngô Ngọc Tám đã lặn lội đi khắp vùng miền từ Bắc vào Nam để tìm hiểu và sưu tầm, hễ nghe nói ở đâu có chiêng hay, chiêng quý muốn bán là anh lại “khăn gói lên đường”. Thế nên mỗi chiếc chiêng anh sưu tầm được đều mang một câu chuyện riêng, có câu chuyện lý thú, cũng có câu chuyện buồn mang tên “chảy máu văn hoá” mà ta vẫn thường nghe nhắc tới. Hiện anh còn lưu giữ tại nhà 8 bộ chiêng với vài chục chiếc, gồm nhiều loại chiêng của đồng bào Bahnar, Jrai và cả những bộ chiêng của người Brâu anh mang về từ Lào, Campuchia. Trong đó có nhiều chiêng giá trị đã từng mang đi trưng bày ở các bảo tàng hoặc triễn lãm khác nhau trên cả nước.

Anh Tám  cho biết: “Nói về cồng chiêng, chơi mà giữ lại được thì rất ít người. Nên cũng mong muốn thời gian tới mình cố gắng mình giữ lại, anh em phát triển lên rồi giao lưu với nhau, rồi giữa anh em đồng bào với người Kinh để nhiều người biết đến và thưởng thức loại hình âm nhạc này”.

Không đồ sộ và hoành tráng như bộ sưu tập của anh Ngô Ngọc Tám  nhưng chị Huỳnh Ngọc Linh ở phường Thống Nhất, cũng mang trong mình thú vui đam mê sưu tầm cồng chiêng và cả những đồ vật có tính lưu niệm mang đậm bản sắc văn hoá của núi rừng Tây Nguyên.

Chị Huỳnh Ngọc Linh cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, tôi thấy truyền thống của người Bahnar và Jrai này có nhiều cái hay nên tôi cũng tìm tòi để tìm hiểu và sưu tầm nó. Đến nay cũng được 20 năm rồi”.

Nhìn những chiếc chiêng được coi là báu vật, hay đến những vật đơn giản như chiếc tù và, bầu rượu, những tượng nhà mồ, cây đàn T’rưng…không kể đến giá trị vật chất…thì những đồ vật ấy cũng đã mang trong mình một giá trị văn hoá nhất định. Thầm cảm ơn những con người đã có niềm đam mê đầy tâm huyết này, để nhờ đó cồng chiêng Tây Nguyên được lưu giữ, trao truyền và sống mãi không chỉ trong lòng người đồng bào dân tộc Tây Nguyên mà với bất cứ ai yêu mến sắc màu văn hoá đặc sắc này./.

Trương Trang, Xuân Huy


Lượt xem: 201

Trả lời