Chuyển đổi số – Hướng đi tất yếu của các địa phương

Cập nhật 11/10/2022, 07:10:08

2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Gia Lai tập trung vào việc phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số giúp người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.

Năm 2021, theo danh sách do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Gia Lai xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.(Trong đó: Chính quyền số đứng 17, Kinh tế số xếp thứ 33 và Xã hội số là 18. )

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hướng đến những mục tiêu phát triển quan trọng, ngày 20/01/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 04 về Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Gia Lai xác định: Ba trụ cột trong “Chuyển đổi số” là: Chính quyền số; Kinh tế số; Xã hội số. Người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể vừa là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Xây dựng Chính quyền số không chỉ là hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của chính quyền; mà cốt lõi phải là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, nhanh hơn, đơn giản hơn, thuận tiện hơn, minh bạch hơn.

Thượng tá Trần Văn Thuân, Giám đốc Viettel Gia Lai cho biết: “Chuyển đổi số có vai trò lớn trong phát triển doanh nghiệp và mang lại tiện ích cho người dân, nên Viettel Gia Lai đã đẩy mạnh hoạt động này, với những giải pháp công nghệ tốt nhất”.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng,  GĐ Sở TT&TT Gia Lai cũng cho biết: “Với sự tham gia của các doanh nghiệp, trong đó có Viettel đã hỗ trợ tỉnh hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Pleiku, xây dựng cơ sở dữ liệu, và ứng dụng du lịch thông minh. Viettel còn hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ trong giáo dục, y tế, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, qua đó, giúp người dân quen dần với các nền tảng ứng dụng”…

Có thể thấy, chuyển đổi số đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Đây cũng hướng đi tất yếu của các đài PT-TH trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trên Internet và mạng xã hội.

Không đứng ngoài xu thế tất yếu này, những năm qua tại Đài PT-TH Gia Lai, đã từng bước tiếp cận và đầu tư, ứng dụng công nghệ số hóa vào tất cả các khâu của quy trình sản xuất, phát sóng. Cùng với đó, là việc sản xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội phù hợp với định hướng cần thay đổi để bắt kịp xu thế truyền thông hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ thông tin, giải trí của người dân. Cuối tháng 8/2022, Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai đã tổ chức Lễ công bố sản xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok. Với cách tiếp cận, bước đi phù hợp với xu thế, Đài PT-TH tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục không ngừng đổi mới trong công tác tuyên truyền, nhất là trong sản xuất, cung cấp các nội dung trên nền tảng công nghệ số, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cũng như nắm bắt nhu cầu, sở thích, hành vi của khán-thính giả trong giai đoạn hiện nay.

Bạn Bùi Phương Ánh Ngọc,  Huyện Đak Đoa, Gia Lai chia sẻ: “Trước đây thì như muốn xem thời sự thì chỉ xem được vào khung thời gian đó thôi, nhưng giờ thì Truyền hình đều có trên nền tảng Facebook, Youtube, TikTok thì thế hệ chúng em dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tiếp cận với thông tin của truyền hình, mình có thể xem đi xem lại và xem ở mọi nơi với chiếc điện thoại thông minh, điều này thì giúp chúng em cập nhật tinh tức nhanh hơn và áp dụng cho việc bổ sung kiến thức của mình”.

Có thể khẳng định: Chuyển đổi số là giải pháp mang tính đột phá cho sự phát triển bền vững của ngành phát thanh – truyền hình nói riêng, các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hộ nói chung.  Nhằm tập trung nguồn lực và định hướng đầu tư phục vụ cho việc chuyển đổi số, trong Nghị quyết số 05, ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy Gia Lai “Về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030” đã dành riêng một mục cho hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông; đề cao nhận thức, vai trò của người đứng đầu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp.

Câu chuyện chuyển đổi số là cả quá trình dài, bền bỉ kiên định với những mục tiêu đặt ra, theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, đến năm 2030, đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu 30%./.

Song Nguyễn – Kim Ngân – Ksor Tuối


Lượt xem: 27

Trả lời