Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Chư Pưh

Cập nhật 06/11/2019, 10:11:05

Những năm gần đây, cũng như tại một số địa phương khác trong tỉnh Gia Lai, do chịu tác động xấu bởi thời tiết khắc nghiệt và do bị bệnh chết nhanh chết chậm nên nhiều diện tích tiêu ở huyện Chư Pưh đã bị chết hàng loạt. Trước thực trạng đó, các ngành chức năng và chính quyền huyện Chư Pưh đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trong huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích tiêu đã chết để khôi phục sản xuất, từ đó khắc phục thiệt hại, cải thiện đời sống.

Trồng các loại cây ăn quả trên những diện tích tiêu đã chết là một trong những giải pháp mà các ngành chức năng, chính quyền huyện Chư Pưh đang triển khai nhằm giúp nông dân khôi phục sản xuất. Như ở xã Ia Blứ, hiện tại có hơn 400 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là bơ, mít Thái, na Thái, sầu riêng… Nhiều tổ liên kết trồng cây ăn quả cũng đã hình thành, bình quân mỗi ha cây ăn quả cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí).

Anh Lê Thanh Đức, thôn Phú Vinh, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Anh em ở địa phương đã liên kết với nhau để học hỏi kinh nghiệm trồng các loại cây ăn quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới anh em trong tổ sẽ đầu tư sản xuất các loại cây ăn quả theo hướng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch để nâng cao giá trị sản xuất”.

Với sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng và chính quyền huyện Chư Pưh, hơn 2 năm qua nông dân trong huyện đã chuyển đổi hơn 1.000 ha tiêu đã chết hàng loạt sang trồng các loại cây ăn quả và các loại cây ngắn ngày. Không chỉ giải quyết được những khó khăn, nợ nần do bị thiệt hại nặng bởi tiêu chết hàng loạt mà các mô hình sản xuất mới này đã giúp nhiều nông dân trong huyện có nguồn thu nhập cao.

Ông Võ Bình Thời, thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói “Gia đình đã chuyển đổi diện tích tiêu bị chết sang trồng ớt. Nếu giá ớt như hiện tại (mỗi kg từ 30 nghìn đến 40 nghìn) thì mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/01 ha ớt. Ngoài ra gia đình cũng trồng một số loại cây ăn quả như cây chanh cho nguồn thu nhập cao”.

Hiện tại trên địa bàn huyện Chư Pưh có hơn 23.000 ha đất sản xuất. Không còn bị bỏ trống như vài năm trước nữa vì sự khủng hoảng do tiêu chết hàng loạt, nay hầu hết diện tích đất sản xuất ở huyện đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Cùng với đó, huyện đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát huy tốt vai trò của 21 hợp tác xã ở địa phương nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Minh Tứ,  Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Từ lồng ghép các nguồn vốn, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Huyện cũng đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó đã triển khai 4 dự án, đó là: Dự án hỗ trợ nông dân trồng 100 ha nhãn, dự án sản xuất 100 ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng thương hiệu gạo ở Chư Pưh; dự án trồng cây nghệ ở xã Ia Phang và dự án trồng dâu nuôi tằm rất hiệu quả”.

          Chính quyền địa phương huyện Chư Pưh cũng đã có nhiều động thái tích cực nhằm tạo điều kiện cho nông dân bị thiệt hại nặng do tiêu chết hàng loạt vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư khôi phục sản xuất, vượt qua những khó khăn trước mắt. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp huyện Chư Pưh đang dần khôi phục và từng bước phát triển sau thiệt hại quá nặng do cây tiêu./.

Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 200

Trả lời