Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu

Cập nhật 06/7/2017, 14:07:16

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp được nông dân nhiều địa phương lựa chọn hiện nay, đặc biệt là trước những biến đổi thất thường của tình hình thời tiết, khô hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho cây trồng. Tại Gia Lai, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng những năm gần đây không những giúp nông dân giảm thất thu trong sản xuất nông nghiệp mà còn tăng nguồn thu, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. PS được thực hiện tại huyện Kông Chro.

Thời tiết thay đổi, giá cả nông sản bấp bênh, cây mỳ, cây bắp không còn như trước; 2 năm nay, gia đình anh Trương Văn Bình đã quyết định chuyển sang trồng bí đỏ. Vụ thu hoạch năm trước, bí đỏ được giá cộng thêm năng suất đạt khá nên mang lại cho gia đình anh nguồn thu  gấp 2 lần so với trồng mỳ và bắp.

Anh Trương Văn Bình – Làng Quen, xã Sơ Ró, huyện Kông Chro, Gia Lai  cho biết:  “Trồng bí như năm ngoái và năm nay, giá bí được nên là hiệu quả kinh tế với nhà nông cũng được. Nếu mà so với những cây trồng khác thì vẫn được hơn”.

Cùng với cây trồng chủ lực là cây mía, ở nhiều xã trên địa bàn huyện Kông Chro bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng ớt và đậu các loại. Có những vụ, giá ớt cao kỷ lục ở mức hơn 100.000 đồng/kg như thời điểm gần cuối năm 2016 vừa qua đã giúp người dân thu nhập khá cao. Đặc biệt từ giữa năm 2016 đến nay, nhiều nông dân trên địa bàn các xã, thị trấn cũng bắt đầu phát triển cây chanh dây.

Anh Trần Văn Nhanh – Thôn 14, xã Sơ Ró, huyện Kông Chro, Gia Lai cũng nói: “Cũng đang phát triển, nhìn chung thì phát triển diện tích cũng đang nhiều rồi. Thực tế thấy thì cũng đang nhiều, ở thôn đây thì có gia đình nhà mình đây trồng hiện tại là 2ha; dưới kia có ông trồng hơn 01ha với 1 ông trồng 8 sào. Bây giờ mới phát triển và bây giờ họ mới có xu hướng phát triển cây chanh leo này”.

Với vùng đất khô hạn như Kông Chro, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều cần thiết trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; tuy nhiên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người nông dân; đồng thời không phá vỡ quy hoạch diện tích cây trồng của địa phương. Làm giàu ở những vùng đất khó sẽ càng khó khăn hơn; thế nhưng với hướng đi hợp lý của người nông dân và có sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương; diện mạo vùng khó Kông Chro sẽ ngày càng khởi sắc hơn, người dân từng bước vươn lên làm giàu với thu nhập ngày càng nâng cao, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 45

Trả lời