Chư Sê chú trọng phát triển mô hình trồng nấm theo hướng công nghệ cao

Cập nhật 22/6/2020, 10:06:40

Những năm gần đây, giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp nên nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê lựa chọn thực hiện mô hình trồng nấm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Để tiếp tục phát triển các mô hình và hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, việc trồng nấm dược liệu đang được các ngành và hộ dân quan tâm đầu tư.

Đã triển khai mô hình trồng bào ngư tím được 6 năm, anh Nguyễn Hòa, Thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê dần có thu nhập ổn định. Vừa làm, vừa học hỏi giờ đây anh đã biết áp dụng kỹ thuật để nấm phát triển theo mong muốn của mình. Theo anh cho biết: Nhu cầu thị trường và giá cả vào ngày mồng 1, ngày rằm cao hơn nên anh canh để phục vụ. Cùng với đó, anh cấy phôi nấm cho các đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh.

Anh  Hòa cho biết: “Làm diện tích cũng nhiều, làm 4 – 5 trang trại, đầu tiên mình mua meo về làm, sau tự mình làm, tự cấy, tự hấp tự làm. Với gia đình cũng muốn mở thêm trang trại, nguồn vốn cũng còn thiếu muốn vay thêm ít để làm.”

Cùng với các mô hình trồng nấm ăn, gia đình chị Vũ Thị Dung, thị trấn Chư Sê mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để phát triển nấm dược liệu, trong khâu sản xuất khép kín từ lồng hấp, kho ủ phôi, kho chứa phôi. Hiện nay, nấm mối đen có giá 250 ngàn/kg, phôi nấm 20 ngàn/bịch đã giúp cho gia đình có thêm thu nhập. Từ những giá trị mang lại, gia đình chị đang muốn mở rộng mô hình này.

Chị Vũ Thị Dung, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Quy trình nhà tôi làm thì hơn 2 năm rồi, bào ngư làm bán ở chợ bình thường, nấm mối đen gửi đi Sài Gòn. Làm phôi, người ta đến đặt phôi, 5 – 10 ngàn phôi. Gia đình tôi cũng có nhu cầu thêm ít vốn, tôi muốn mở rộng thêm kho chứa phôi chứ nhu cầu người ta đặt phôi nhiều chứ xưởng chỉ đủ cung cấp nấm cho thị trường, phôi người ta đặt không có kho để chứa, muốn có thêm ít vốn để làm thêm, mở rộng thêm.”

Với đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Chư Sê lựa chọn một số giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, tiềm năng để phát triển ứng dụng công nghệ cao, trong đó có nấm ăn và nấm dược liệu. Các ngành chức năng huyện đã khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Lê Sĩ Quý – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Hiện nay đã có nhiều hộ dân đầu tư sản xuất, bước đầu cho hiệu quả cao như mô hình trồng nấm mối, trồng nấm ăn ở Ia Hlốp, thị trấn Chư Sê. Qua kiểm tra bước đầu thì mang lại hiệu quả tốt. Sắp đến, Trung tâm đề nghị Ủy ban huyện hỗ trợ, quan tâm thực hiện chuỗi liên kết, qua hợp tác xã, nhân rộng mô hình phát triển nấm ăn và nấm dược liệu.”

Trong lộ trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, huyện Chư Sê cũng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, phát huy vai trò hợp tác xã, tổ liên kết trong đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, tiêu thụ để giúp người dân an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình trồng nấm, nhu cầu về vốn khá cao nên nhiều người dân mong muốn được chỗ trợ vốn đầu tư, chăm sóc.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 162

Trả lời