Chư Pưh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững

Cập nhật 05/6/2022, 07:06:14

Chư Pưh là một huyện thuần nông song thu nhập từ các loại cây trồng mang lại không cao. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện Chư Pưh xác định trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 là tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm hướng tới sự phát triển bền vững nhằm nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân từ các loại cây trồng chủ lực ở địa phương.

Đến cuối năm 2021, tổng diện tích cây trồng các loại của huyện Chư Pưh là gần 32.300 ha. Trong đó, diện tích cây lương thực, thực phẩm là hơn 14.000 ha, cây công nghiệp dài ngày trên 12.500 ha, cây ăn quả gần 1.800 ha, còn lại là một số loại cây công nghiệp ngắn ngày, dược liệu. Qua đánh giá của địa phương, giá trị sản xuất nông nghiệp, nhất là trên lĩnh vực trồng trọt của nông dân huyện Chư Pưh mang lại chưa cao; đặc biệt là thời điểm từ năm 2016 đến 2018 khi cây hồ tiêu bị chết hàng loạt. Do đó, trên cơ sở Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, ngành chuyên môn của huyện đã xây dựng nhiều chương trình, đề án để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở địa phương.

Ông Nguyễn Long Khánh –  Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưhn nói: “Để triển khai các Nghị  quyết của Huyện ủy thì ngành Nông nghiệp đã cụ thể hóa và tham mưu cho UBND huyện trình HĐND huyện thông qua 3 đề án; một là đề án về phát triển chăn nuôi; hai là đề án về phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày; ba là đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; và hiện nay đang xây dựng các đề án về phát triển hạ thầng thủy lợi và ứng dụng tưới tiết kiệm trong sản xuất nhằm phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; bên cạnh đó hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP và tái cấu trúc lại các hợp tác xã.”

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Chư Pưh đã tập trung chuyển đổi từ diện tích cây hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả rất nhiều. Trong  đó, chủ yếu là sầu riêng, các loại cây có múi. Song diện tích vẫn còn đang manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu là trồng xen canh, chiếm 70% diện tích. Trên cơ sở các chương trình, đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, các địa phương trong huyện Chư Pưh cũng đã xác định rõ từng vùng chuyên canh các loại cây trồng có thế mạnh để định hướng cho người dân trong mở rộng diện tích.

Ông Lưu Xuân Thành – Bí thư Đảng ủy xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh cho biết: “Bước đầu xã đã tiến hành khảo sát, họp các hộ dân để thống nhất vùng chuyên canh cây cà phê là cây chủ lực trên địa bàn xã; hiện có khoảng 400 ha. Cùng với cà phê thì xã cũng xác định vùng trồng cây cao su; hiện của cả Nhà nước và người dân là trên 500 ha. Đồng thời, để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thì xã đã chỉ đạo trồng các vùng chuyên canh về cây sầu riêng; hiện trên địa bàn xã có gần 50 ha và đã có 19 ha đang cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao, trên 500 triệu một năm; bên cạnh đó thì phát triển cây mít ruột vàng, ruột đỏ và cây bơ.”

Việc đẩy mạnh chuyển đổi và đa dạng các loại cây trồng được người dân chú trọng song điều băn khoăn nhất là vấn đề đầu ra. Như gia đình anh Rmah Đa Nel, năm 2019, khi tái canh 1 ha cao su già cỗi đã trồng xen 900 cây cà phê và 200 cây mít thái. Hiện cây cao su chưa khép tán nhưng cà phê và mít đều đã cho thu hoạch. Song điều anh lo lắng là chưa có đầu ra ổn định cho cây mít.

Anh Rmah Đa Nel – Thôn Tung Kleng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh bày tỏ: “Bà con chúng tôi và gia đình tôi ở đây thì cũng đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng; như gia đình tôi ở đây ngoài cây cao su thì có trồng thêm cây cà phê và xen mít thái. Nhưng hiện tại đầu ra cho cây mít chưa ổn định. Và cũng mong Nhà nước quan tâm để có đầu ra cho bà con yên tâm sản xuất.”

Ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì vấn đề được huyện Chư Pưh quan tâm trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở địa phương đó là nguồn lực để triển khai thực hiện. Nhất là nguồn vốn để đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Long Khánh – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh trao đổi: “Để thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chủ trương, định hướng của Trung ương, của tỉnh đã đề ra thì huyện cần rất nhiều nguồn lực đầu tư; nhất là đầu tư về hạ tầng về giao thông nội đồng, thủy lợi để phục vụ sản xuất. Với nguồn lực từ ngân sách của huyện thì rất giới hạn; những năm qua thì hàng năm bố trí từ 3 đến 4 tỷ đồng cho các chương trình phát triển nông nghiệp. Với nguồn vốn như vậy mà để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thì rất khó khăn. Cho nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư từ Trung ương, từ tỉnh và sự tham gia của doanh nghiệp, của người dân.”

Để thực hiện thành công việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở địa phương, sau khi hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng thì huyện Chư Pưh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác theo hướng hữu cơ để xây dựng các sản phẩm OCOP trên từng loại cây trồng; gắn với đó là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Phấn đấu trong giai đoạn 2020 – 2025 giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Chư Pưh, tăng bình quân hàng năm là 5% và đến năm 2025, nâng thu nhập trên 1 ha đất canh tác lên hơn 92 triệu đồng/năm./.

Đức Hải – Phi Long


Lượt xem: 16

Trả lời