Chư Păh thúc đẩy công tác chăm lo, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

Cập nhật 24/3/2023, 10:03:06

Huyện Chư Păh có hơn 16.100 hội viên phụ nữ, trong đó, 57% hội viên đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, nhằm thúc đẩy quyền và trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể trong cộng đồng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Làng Mun, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh là một trong những địa phương được chọn để tập trung nguồn lực “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đến thời điểm này, làng Mun đã thành lập Tổ truyền thông cộng đồng, ra mắt Địa chỉ tin cậy, triển khai gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; tổ chức 3 buổi tuyên truyền người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong bình đẳng giới, cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.

Bà Đỗ Thị Trúc Ly – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh cho biết: “Trong quá trình tiến hành thực hiện, chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến hội viên phụ nữ biết được“Địa chỉ tin cậy” tại nhà đồng chí Bí thư Chi bộ, kiêm Thôn trưởng. Nếu mà có các trường hợp bị bạo lực gia đình thì đều là nơi tạm lánh tại nhà đồng chí Túy để được nhận sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời”.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường tiểu học và THCS số 1 xã Chư Đang Ya là một trong 5 Câu lạc bộ được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Păh hướng dẫn ra mắt hoạt động trong năm qua. Tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ, các em dân tộc thiểu số không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà còn là tự tin vượt qua rào cản định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; tự tin học tập và phát triển, rộng mở tương lai.

Bà Dương Thị Hường – Giáo viên Trường Tiểu học và THCS số 1 Chư Đang Ya, huyện Chư Păh nói: “Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường Tiểu học và THCS số 1 xã Chư Đang Ya thu hút đông đảo các em tham gia. Hiện nay, câu lạc bộ đã có 64 thành viên. Và tại các buổi sinh hoạt các em được giao lưu, học hỏi những kiến thức, kỹ năng về quyền của trẻ em, cũng như về bình đẳng giới và sức khỏe dậy thì của các bé trai, bé gái… Đây thực sự là những kiến thức để các em trở thành thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Păh đang tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; xây dựng và nhân rộng các mô hình tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội… tại 31 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc 9 xã, thị trấn của huyện. Việc ra mắt, thành lập các mô hình trong công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số được người dân đồng tình ủng hộ, các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Bà Nguyễn Thị Bảy – Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Păh cho biết: “Thực tế trong quá trình vận hành thì việc tuyên truyền vận động để đi vào cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất vì chị em phụ nữ lo mưu sinh, thì nhì nữa là bất đồng ngôn ngữ. Do đó huyện tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng song ngữ. Tuy nhiên thì việc tuyên truyền vận động cũng sẽ mưa dầm thấm lâu, chứ còn để nói hiệu quả bước đầu thì chưa thể đánh giá bằng định lượng”.

Việc Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Păh không ngừng đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số làm căn cứ hoạt động đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ trong gia đình và xã hội, thu hút đông đảo chị em tham gia tổ chức hội, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cán bộ, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

CTV Ngọc Thủy – Bùi Đại (Huyện Chư Păh)


Lượt xem: 23

Trả lời