Chư Pah giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Cập nhật 16/7/2018, 08:07:14

Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế – xã hội, huyện Chư Pah luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Hà Tây là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Chư Pah trong công tác bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bahnar, bằng nhiều cách làm hay, thiết thực, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Ông Thaoh – Chủ tịch UBND xã Hà Tây, huyện Chư Pah cho biết: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xã Hà Tây làng đều có nhà rông, trong đó nhiều nhà rông đạt chuẩn. Trong đó gắn với nhà rông là cồng chiêng, thôn làng cũng có đội cồng chiêng. Thì vừa rồi qua cái hội nghị, đại hội của huyện chọn xã Hà Tây cũng tham gia 4 đội cồng chiêng phục vụ cho huyện nhà”.

Em Thiên là một trong những học viên tích cực nhất của đội chiêng thiếu niên làng Kon Măh, xã Hà Tây. Thiên theo học đánh cồng chiêng từ năm lên 8 tuổi, đến nay em đã có 5 năm tham gia đội cồng chiêng của làng và đã đánh thành thạo được nhiều bài chiêng.

Em Thiên, làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Pah nói: “Em thích nghe tiếng cồng, tiếng chiêng từ khi còn bé, được tham gia vào đội cồng chiêng của làng em rất thích. Em cố gắng luyện tập thật tốt thuộc được nhiều bài chiêng để biểu diễn cho nhiều người xem”.

Huyện Chư Pah có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Jrai và Bahnar chiếm hơn 53,6%. Hiện nay, đồng bào dân tộc Bahnar và Jrai còn lưu giữ 275 bộ cồng chiêng, 22 đội nghệ nhân cồng chiêng, 14 đội văn nghệ quần chúng, 67/73 làng có nhà rông. Đặc biệt, bà con còn lưu giữ một số lễ hội và hoạt động văn hóa truyền thống như: Pơ thi; đâm trâu; mừng lúa mới; mừng giọt nước; tạc tượng; kể khan và nghề đan lát; dệt thổ cẩm…

Ông Ra Lan Ven – Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chư Pah cho biết: “Làm sao cho thế hệ trẻ học, kế cận, kế thừa những bản sắc văn hóa tốt đẹp của ông cha ta để tại. Chúng tôi bằng cách tổ chức hội thi, tổ chức lễ hội để lưu giữ. Ngoài ra trên địa bàn Chư Pah chúng ta xuất hiện cồng chiêng trẻ, nữ đó là những cái tin vui của chúng ta”

Trước đây, huyện Chư Pah đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao về văn hóa như: cồng chiêng, tạc tượng, dệt thổ cẩm, đan lát; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.…

Nghệ nhân Rơ Châm Hmút, xã Ia Ka, huyện Chư Pah cũng cho biết:  “Hồi tôi lúc mà mười hai tuổi tôi đi theo ông già tôi đi đám người ta chết, ông già tôi đánh chiêng là tôi đam mê, tôi thích, tôi lấy tôi gõ theo, gõ theo chiêng của ông già. Lúc đó tôi cũng chưa biết và tôi học. Ông già tôi đi tôi đi theo, nhờ đi theo đó tôi mới biết, hiện nay tôi đam mê cồng chiêng. Sau này tôi phải dạy lại mấy đứa trẻ để nó biết theo để bảo tồn cồng chiêng”.

Có thể thấy, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, huyện Chư Pah đã và đang bảo tồn và lưu giữ văn hóa truyền thống của một cách hiệu quả./.

Ngọc Lan – Văn Cảnh


Lượt xem: 297

Trả lời